Ai Cập, chợt nhớ, chợt mong(Bài 2)

Ai cũng bảo mọi so sánh đều là khập khiễng, nhưng với những gì đã và đang diễn ra trên chính trường hàng loạt quốc gia ở Trung Đông – Bắc Phi, đặc biệt là Ai Cập, khiến người ta không thể không đưa ra những so sánh để suy ngẫm về thế thời, về những ngai vàng và bát cháo loãng, dẫu vẫn hiểu nó là “khập khiễng”.


Bài 2: 30 năm và 18 ngày


30 năm với cả chiến tích lẫn oán hờn, và…

Thiếu 9 tháng là tròn 30 năm ông Hosni Mubarak làm Tổng thống Ai Cập sau vụ các tay súng Hồi giáo ám sát người tiền nhiệm Anwar Al-Sadad ngày 6/10/1981 ngay trong lễ diễu binh lớn tại quận Al-Nasr ở thủ đô Cairô giữa ban ngày.


Vụ ám sát đã làm kinh hoàng cả thế giới lúc bấy giờ, nhưng đại đa số trong hơn 100 triệu người Arập khi ấy sống ở 22 quốc gia thì đây lại là “Ngày chiến thắng” vì đã loại được một “tay sai” của Mỹ và Ixraen.

Làn sóng biểu tình phản đối chính phủ của Tổng thống H. Mubarak bùng nổ hôm 25/1/2011. Ảnh: Internet


Ông Mubarak lên cầm quyền trong bối cảnh nền kinh tế rệu rã sau nhiều cuộc chiến với Ixraen, trong khi xã hội bị phân hóa, chia rẽ mạnh giữa những người theo Phong trào dân tộc Arập của cố Tổng thống Gamal Abdel Nasser với những người muốn “bắc cầu” đến phương Tây, loại bỏ ảnh hưởng rất lớn của Liên Xô lúc bấy giờ trên đất Ai Cập.


Chưa hết, dù là Tư lệnh không quân, song vị tân Tổng thống ấy đã đôi lần phải thừa nhận quân đội của ông “đánh ít, thua nhiều”, trong khi về ngoại giao, các nước Arập và nhiều quốc gia thuộc phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới đồng loạt tẩy chay, cắt quan hệ do Ai Cập bị coi là bạn của thù, đến mức trụ sở Liên đoàn Arập (AL) cũng bị chuyển từ Cairô sang Tuynít (Tuynidi)…

Trên quảng trường ở quận Al-Nasr, cạnh ngôi mộ người tiền nhiệm Al-Sadad, đặt đúng nơi ông ta phải đổi mạng cho Hiệp định Camp David ký năm 1979 với Ixraen, có một bức ảnh lớn của ông H. Mubarak, kèm dòng chữ: “Từ đau thương này, Ai Cập đã khởi sắc dưới bàn tay Người!”.


Quả là không sai nếu xét “không toàn diện”, nhất là những năm gần đây, về đất nước 80 triệu dân này, nơi diện tích gấp ba lần nước ta, nhưng chỉ có 5% là đất thổ canh, thổ cư, còn lại là bạt ngàn sa mạc. Với bản chất người lính, lại quen sống kham khổ, tằn tiện do có xuất xứ bần hàn, những năm đầu, ông Mubarak đã dốc sức để vực lại tất cả, từ kinh tế, chính trị, quân sự và ngoại giao.


Không dễ để “moi” được những lời xin lỗi từ các nước Arập vì “suy nghĩ chưa chín” đã ngừng chơi với Ai Cập. Thế mà Mubarak đã làm được, để rồi trụ sở AL lại trở về Cairô, mọi quốc gia Arập lại quây quần bên “anh cả” Ai Cập.


Rất khó để duy trì được sự ổn định tương đối ở đất nước đầy rẫy thù trong, giặc ngoài, mà bằng chứng là đã 6 lần vị tổng thống đầy cá tính này suýt bị “ăn thịt”, hay chính quyền cấp tỉnh ở đôi ba chỗ những tưởng đã bị mất chỉ trong một đêm,v.v. Thế mà Mubarak đã giữ được mình, yên được nước, chí ít là đến cuối tháng 1/2011 vừa rồi, dù phải dùng “bàn tay sắt” gây những bất bình của đại bộ phận dân chúng.


Và nữa, suốt mấy chục năm qua, Cairô đã khéo léo “đi giữa” phương Đông - phương Tây, giữa những quốc gia có ảnh hưởng nhất nhì thế giới, kể cả thời chiến tranh lạnh, lẫn lúc “hòa bình lạnh” bây giờ, để rồi vốn đầu tư, tiền viện trợ, chuyên gia kỹ thuật từ mọi nơi cứ ùn ùn kéo tới đây để, thôi thì đủ, từ chống sa mạc hóa, đến xây sân bay, bến cảng và làm điện hạt nhân,v.v.


Chưa hết, những năm gần đây, khi Ai Cập chuyển sang nền kinh tế thị trường hồi 1991, và nhất là trong công cuộc cải cách kinh tế do Mubarak khởi xướng từ 2004, nơi đây nằm trong số ít những nước đang phát triển có mức tăng trưởng nhanh, GDP đạt trên 3.000 USD một đầu người, được đó đây hết lời khen ngợi. Tiếc rằng lợi tức ấy không được chia cho tất cả, giới “cổ cồn” tiêu mãi không hết tiền, còn với 40% dân nghèo (theo thống kê chính thức, còn trên thực tế, chắc chắn hơn thế) cơm no, áo ấm chỉ có… trong mơ.

…18 ngày quên một chữ “ngờ”

Trong 6.616 câu thuộc 114 chương của Kinh Côran, vật bất ly thân của các tín đồ Hồi giáo, có câu dạy rằng chỉ cần một giây sao nhãng, buông thả, quỷ dữ sẽ chiếm trọn phần hồn của mỗi người.


Vâng, bỏ qua yếu tố tôn giáo, tâm linh, trong cơn bão tố hiện nay trên chính trường Trung Đông-Bắc Phi, giới Ai Cập học nhận định rằng với ông Mubarak, đấy không chỉ là một giây, mà là những năm, những tháng “sao nhãng”, dù không ai phủ nhận, ngay cả bây giờ, khi ông đã thất sủng, những gì ông đã làm cho đất nước này.


Mọi việc bắt đầu từ “bàn tay sắt” với Luật khẩn cấp, áp dụng ngay sau cái chết của Al-Sadad, cho lực lượng an ninh được quyền bắt, tống tù không cần phán xét bất cứ ai bị nghi làm tổn hại… an ninh quốc gia, khiến cả xã hội ấy nơm nớp trong sợ hãi, nghi kỵ, đấu tố lẫn nhau suốt ba chục năm nay. Trên cơ sở luật ấy, người ta đã sửa đổi hiến pháp, bịt lối tham gia chính trường của mọi đảng phái, cá nhân không cùng vây cánh, làm mâu thuẫn xã hội cứ phình to mãi.


Và nữa, nói dại, người ta còn bảo giá như hai cậu quý tử Alaa và Gamal của vợ chồng ông bà Mubarak-Suzanne không có trên đời này, hoặc chúng cứ bé tí tẹo như hồi ông phải nhờ hạ cấp ở Sư đoàn không quân bảo vệ kênh đào Suez đưa đi nhà trẻ mỗi ngày, biết đâu đấy, ông sẽ không có những năm tháng “sao nhãng”, chăm chăm tư túi, từ những hợp đồng mua máy bay, đến sau này là những khoản thu kếch sù từ ngân khố quốc gia, để rồi bây giờ mất ghế từ 70 tỷ USD kiếm chác bất chính ấy, và cái sự “khốn khổ vì tiền” ấy có lẽ chưa dừng lại ở đấy, để vừa không được tiêu, lại còn bị đưa ra chốn pháp đình. Và, giá như hai cậu kia cứ bé tẹo mãi, chắc ông cũng chẳng toan tính tới chuyện nhường ghế, chuyển ngôi, gây phản ứng dữ dội từ mọi phía, nhất là khi ông nhận định: “…trong 80 triệu dân Ai Cập, chỉ có Gamal xứng đáng nhất để lãnh đạo đất nước”.(?!)

Lại dẫn Kinh Côran, có hẳn một chương nói về tình người Hồi giáo, rằng tất cả họ đều là anh em một nhà, một người đau, tất cả phải khóc, người này có ăn, phải sẻ nửa cho kẻ khác đói hơn mình.


Cứ chiểu theo giáo lý ấy, nếu còn sống, chắc hẳn Nhà Tiên tri Muhammad, tác giả của cuốn Kinh Côran kia, viết trước khi ông qua đời vào năm 632 trên lá cọ và những tấm da súc vật phơi khô, phải rầu lòng lắm về tình người ở xứ Kim Tự tháp thời nay: Tiếng than của người nghèo, chiếm 40% dân cả nước, 30% mù chữ và 90% thanh niên thất nghiệp... chưa bao giờ đến được tai những người có bạc triệu, bạc tỷ, biệt thự dăm bẩy cái, con cháu dùng rặt đồ Tây, nói toàn tiếng ngoại quốc.


Đến Ai Cập, chỉ cần “để mắt” một chút cũng thấy khoảng cách giàu - nghèo, sự thất học, dân chúng bị bỏ rơi là những ung nhọt lớn nhất, nhưng ít được chính quyền quan tâm nhất trong nhiều năm qua.

Trong suốt 30 năm cầm quyền vừa qua, với uy lực tưởng như không ai dám đụng tới, ông Mubarak đã dựng nên một chế độ “dân chủ trong sợ hãi”, mà không ngờ rằng một khi người dân do bị dồn nén quá lâu, mọi tiếng cầu xin bị rơi vào cõi hư vô, oan ức không được đếm xỉa, trong khi một lớp người mới cứ giàu sang lên mãi, cứ quát tháo dọa nạt..., thì người ta không còn gì để mất nữa, chẳng biết sợ nữa, cùng nổi lên lật đổ độc tài chỉ trong 18 ngày, bắt đầu từ hôm 25/1 vừa rồi.

Thế mới biết chữ “ngờ” vẫn là bài học muôn đời cho tất cả, chỉ một lần bỏ qua, giá phải trả sẽ khôn lường, ví như Ai Cập, nơi ông Mubarak và những người dưới quyền không thể ngờ rằng chỉ với 18 ngày họ đã mất tất cả, rằng những người “thấp cổ, bé họng” ít ngờ nhất ấy đã kéo sập tất cả, để rồi các nhà sử học sẽ còn phải phân tích nhiều về 30 năm và 18 ngày ấy, còn 80 triệu dân nơi đấy sẽ còn phải thấp thỏm lo âu về đất nước có nền văn minh cổ đại nhất thế giới này…

Phạm Phú Phúc

Đón đọc bài 3: Ngã rẽ nào cho Ai Cập?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN