Đến nay, Ai Cập đã cấp phép cũng như nhận được các lô vaccine từ các hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc) và AstraZeneca (Anh). Ai Cập cũng cho biết đang chuẩn bị sản xuất lên tới 80 triệu liều vaccine Sinovac tại nước này. Ngoài ra, Ai Cập còn cấp phép lưu hành cho vaccine Sputnik V của Nga.
Ngày 26/4, Iran đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine ngừa COVID-19 mang tên Soberana 02 của Cuba.
Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) đưa tin theo một thỏa thuận hợp tác giữa Viện Vaccine Finlay của Cuba và Viện Pasteur của Iran, vaccine Soberana 02 đang được thử nghiệm trên 24.000 tình nguyện viên Iran trong độ tuổi từ 18-80 tuổi.
Theo nhật báo Tehran Times của Iran ngày 25/4, hiện nước này cũng đang tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế nhằm phát triển các loại vaccine ngừa COVID-19 với Nga và Australia. Ngoài ra, 4 dự án phát triển vaccine trong nước của Iran đã đạt tới giai đoạn thử nghiệm trên người. Dự án đạt được nhiều tiến triển nhất tại Iran là COVIran Barekat hiện đã bước vào giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng vào ngày 25/4 vừa qua.
Ủy ban Tư vấn tiêm chủng quốc gia Ireland cho biết cơ quan này sẽ khuyến nghị sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Johnson & Johnson (J&J) cho những người trên 50 tuổi. Theo kênh truyền hình RTE, Ủy ban Tư vấn tiêm chủng quốc gia sẽ đưa ra khuyến nghị trên trong vài ngày tới. Quyết định này sẽ giúp Chính phủ Ireland giải tỏa mối lo ngại rằng nếu cấm sử dụng vaccine của hãng J&J cho những người dưới 60 tuổi có thể khiến mục tiêu tiêm chủng hiện nay gần như không thể đạt được. Hiện Bộ Y tế Ireland chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.
Vaccine ngừa COVID-19 của J&J là loại vaccine một liều và chỉ cần bảo quản trong nhiệt độ lạnh thông thường. Gần đây xuất hiện nhiều thông tin về tác dụng phụ có thể xảy ra khi tiêm vaccine này, trong đó có nguy cơ đông máu. Tuy nhiên, nhiều nước như Mỹ, Canada, Nam Phi, vẫn tiếp tục cho phép tiêm chủng loại vaccine này khi cho rằng lợi ích của việc tiêm vaccine lớn hơn những nguy cơ tiềm ẩn hiếm gặp. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã bày tỏ ủng hộ việc sử dụng vaccine của J&J, cho rằng hiện tượng huyết khối xuất hiện sau khi tiêm vaccine này là tác dụng phụ "rất hiếm gặp". Do đó, EMA quyết định không hạn chế sử dụng vaccine J&J ở thời điểm hiện tại.