ADB nâng dự báo tăng trưởng kinh tế châu Á năm 2021

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 đối với các nước đang phát triển tại châu Á, trong bối cảnh các chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang được triển khai, cũng như nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh trên thế giới. 

Chú thích ảnh
Nhân viên làm tại dây chuyền sản xuất ô tô của công ty Great Wall Motors ngày 19/1 ở Trung Quốc. Ảnh: Getty Images

Khu vực đang phát triển tại châu Á bao gồm 45 quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương, được dự báo sẽ tăng trưởng 7,3% vào năm 2021, tăng so với mức 6,8% trong báo cáo công bố tháng 12/2020. Đối với năm 2022, khu vực này được dự báo sẽ tăng trưởng 5,3%. Tuy nhiên, ADB cảnh báo quá trình hồi phục kinh tế diễn ra "không đồng đều". Báo cáo về Viễn cảnh Phát triển châu Á của ADB công bố ngày 28/4 nêu rõ: “Một số nền kinh tế tiếp tục chật vật trong cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 và các biến thể mới của chủng virus này. Các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch ở Thái Bình Dương và các khu vực khác sẽ chậm chạp trên con đường hồi phục. Ngược lại, một số ít nền kinh tế kiểm soát được tình hình dịch bệnh trong nước và được hưởng lợi từ sự phục hồi trong nhu cầu mua sắm trên toàn cầu, sẽ tiếp tục thể hiện khả năng phục hồi và phát triển". 

Theo dự báo của ADB, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đầu sự phục hồi kinh tế trên toàn bộ khu vực rộng lớn, trải dài từ Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương đến Kazakhstan ở Trung Á này. Cụ thể, Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng kinh tế 8,1% nhờ sự gia tăng về nhu cầu trên toàn thế giới đối với các sản phẩm do nước này sản xuất, cũng như sự gia tăng chi tiêu của người dùng trong nước. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được dự báo sẽ đạt 11% trong năm 2021, so với 8% trong năm 2020.

Theo nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ngân hàng ADB, mức dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ có thể sẽ được điều chỉnh trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang phải "oằn mình" ứng phó với tình trạng gia tăng đột biến trong số ca lây nhiễm và tử vong do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, theo ông Sawada, con số dự báo trên vẫn "có thể đạt được và có tính thực tế" ở thời điểm hiện tại do Ấn Độ đang sử dụng nhiều biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, cũng như tiến độ tiêm chủng ngừa COVID-19 trên toàn quốc ở quốc gia Nam Á này.

Chú thích ảnh
Bốc xếp hàng hóa tại cảng Tân Cảng - Thốt Nốt. Ảnh minh họa: TTXVN

Khu vực Đông Nam Á được dự báo tăng trưởng 4,4%, giảm so với mức 5,5% được dự báo trước đó, chủ yếu do kinh tế Myanmar lao dốc vì những bất ổn hiện nay. Trong khi đó, Việt Nam được dự báo tăng trưởng 6,7% trong năm 2021, và 7% trong năm 2022. Philippines, nền kinh tế trì trệ nhất khu vực Đông Nam Á trong năm ngoái với mức suy giảm 9,6%, được dự báo tăng trưởng 4,1% trong năm nay.

ADB cũng cảnh báo việc trì hoãn các chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ kéo dài tình trạng gián đoạn kinh tế ở không ít quốc gia.

Theo ADB, đến cuối tháng 3 vừa qua, tỷ lệ mũi vaccine đã tiêm trên 100 dân tại các quốc gia đang phát triển tại châu Á là 5,2, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Bangladesh. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với mức trung bình của toàn cầu là khoảng 8 mũi tiêm/100 người.

Thanh Phương (TTXVN)
Triển vọng kinh tế tươi sáng của Ấn Độ bị ‘sóng thần COVID-19’ đe dọa
Triển vọng kinh tế tươi sáng của Ấn Độ bị ‘sóng thần COVID-19’ đe dọa

Mới hai tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo GDP của Ấn Độ tăng trưởng khoảng 12,5% trong năm nay, mức cao nhất trong những nền kinh tế lớn của thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN