Website chính thức của Liên hợp quốc đã liệt kê 7 nỗ lực, hành động nổi bật liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trước thềm Hội nghị về Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra tháng 11 tại Glasgow, Anh.
1. Đầu tư mạnh tay cho năng lượng sạch: Các chính phủ cùng khu vực tư nhân đã cam kết đầu tư 400 tỉ USD cho năng lượng sạch tại Đối thoại cấp cao về Năng lượng của Liên hợp quốc tháng 9 vừa qua. Đây là lần đầu tiên trong 40 năm qua các nhà lãnh đạo mới có một cuộc gặp bàn về năng lượng dưới sự bảo trợ của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
35 quốc gia, từ các đảo quốc nhỏ bé cho tới các cường quốc đang nổi, các nền kinh tế phát triển đều đưa ra cam kết quan trọng về nguồn năng lượng mới dưới hình thức “Khế ước năng lượng”. Nổi bật trong số này là thỏa thuận về không cấp phép xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện với sự tham gia của Sri Lanka, Chile, Đan Mạch, Pháp, Đức, Anh và Montenegro.
2. Mỹ, Trung Quốc hành động chống biến đổi khí hậu: Trong tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 76 cuối tháng 9 vừa qua, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đưa ra cam kết tham vọng hơn trong hành động chống biến đổi khí hậu. Tổng thống Joe Biden thông báo Mỹ sẽ tăng đáng kể đóng góp tài chính cho nỗ lực quốc tế trên lĩnh vực này, với số tiền vào khoảng 11,4 tỉ USD/năm.
Cùng lúc, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết Trung Quốc sẽ chấm dứt việc viện trợ, cấp vốn xây dựng các nhà máy nhiệt điện ở nước ngoài, thay vào Bắc Kinh sẽ ủng hộ, hậu thuẫn các nhà máy năng lượng xanh, nhà máy phát điện ít thải ra carbon.
3. Tuần lễ khí hậu châu Phi tạo cú hích cho hành động khu vực: Cuối tháng 9, đại diện các quốc gia châu Phi đã có phiên họp trực tuyến trong khuôn khổ Tuần lễ khí hậu châu phi 2021 (ACW 2021), nhằm nêu bật những hành động chống biến đổi khí hậu, tìm kiếm khả năng hợp tác và đưa ra nhiều giải pháp tham vọng.
Hơn 1.600 đại biểu đã tham gia cuộc gặp lần này dưới sự chủ trì của nước chủ nhà Uganda. Sự kiện quy tụ đại diện cho các chính phủ ở tất cả các cấp cùng với giới lãnh đạo khu vực tư nhân, chuyên gia, học giả. Ông Janet Rogan, Đại sứ khu vực cho Trung Đông châu Phi tại COP26 cho biết cuộc thảo luận này giúp các bên liên quan xây dựng quan hệ đối tác mới, củng cố các nền tảng hợp tác đã có.
Châu Phi là khu vực chiếm tỉ lệ nhỏ trong phát thải toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là châu lục dễ bị tổn thương nhất thế giới trong biến đổi khí hậu, khi liên tục phải gánh chịu các hình thái thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt hay sự xâm lăng của các loài sinh vật gây hại.
4. Nước chủ nhà COP26 “nhắc nhở” các nước đóng góp tài chính: Ngay trước phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 76, ông Borris Johnson, Thủ tướng Anh – nước chủ nhà COP26, đã triệu tập một phiên họp khẩn để thúc ép các bên hành động nhiều hơn nữa trong chi tiêu tài chính chống biến đổi khí hậu.
Ông Johnson cảnh báo “lịch sử sẽ phán xét” các nước giàu nhất thế giới nếu như số này không thực hiện đúng cam kết đóng góp, viện trợ 100 tỉ USD trước thời điểm diễn ra COP26. Ông đánh giá cơ hội về bảo đảm nguồn cung cấp tài chính đúng hẹn trước tháng 11/2021 là 60%.
5. Cải cách hệ thống lương thực toàn cầu: Hệ thống sản xuất lương thực gây ra 1/3 tổng phát thải khí nhà kính, tiêu tốn tới 70% dữ trữ nước ngọt và chiếm 80% nguyên nhân gây ra tổn thất đa dạng sinh học. Hệ thống sản xuất bền vững vì thế được coi là giải pháp quan trọng giúp xử lý những thách thức này.
Ngày 23/9, Liên hợp quốc đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hệ thống lương thực toàn cầu trong khuôn khổ kỳ họp khóa 76 Đại hội đồng. Tại đây, các nhà lãnh đạo thế giới cùng lên tiếng kêu gọi hành động tầm quốc gia, khu vực để dịch chuyển cách thức sản xuất, tiêu thụ và thải bỏ lương thực.
Tại hội nghị, nhiều nước đã thông báo về những sáng kiến mới, hướng đến mục tiêu bảo đảm nhu cầu dinh dưỡng cho dân số bằng hệ thống sản xuất lương thực gắn với chống biến đổi khí hậu, bảo vệ đa dạng sinh học, sinh kế của người dân. Đại diện giới doanh nghiệp, các tổ chức xã hội dân sự cũng đưa ra nhiều cam kết quan trọng.
6. Giới trẻ hành động chống biến đổi khí hậu: Hơn 400 nhà hoạt động trong độ tuổi từ 15-29 đến từ 186 nước đã tham gia cuộc gặp “Thế hệ trẻ hành động chống biến đổi khí hậu” (Youth4Climate), diễn ra từ 28-30/9 tại Milan, Italy. Đây là dịp để giới trẻ hối thúc thế giới cùng hành động nhiều hơn nữa trong cuộc chiến này.
Cuộc gặp có sự hiện diện của Greta Thunberg và Vanessa Nakate – hai nhà hoạt động môi trường nổi bật đại diện cho giới trẻ. Thunberg cho rằng những khái niệm về “xây dựng lại tốt đẹp hơn”, “kinh tế xanh”, “trung hòa carbon đến năm 2050” là điều mà các nhà lãnh đạo đã nói đến nhiều. Nhưng điều còn thiếu hiện nay là hành động. “Chúng tôi muốn gì ư? Chúng tôi giờ đây mong đợi công lý khí hậu”, Greta Thunberg chia sẻ.
7. Hội nghị tiền COP26: Trước mỗi một kỳ COP sẽ có một cuộc gặp trù bị, được tổ chức trước đó khoảng một tháng, gọi là Hội nghị tiền COP. Hội nghị năm nay diễn ra tại Milan, Italy, từ 30/9-2/10.
Những chủ đề được thảo luận tại Milan lần này gồm có: Giảm khí phát thải để bảo đảm thế giới vẫn đạt mục tiêu nhiệt độ Trái đất đến 2100 tốt nhất không tăng quá 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp theo tinh thần đạt được tại COP21 (2015); các điều khoản về tài chính và hỗ trợ cho các nước đang phát triển để triển khai hành động chống biến đổi khí hậu; thiết lập mục tiêu toàn cầu về thích ứng để giảm tính chất dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu; cải tiến cách thức tiếp cận giúp tránh, giảm thiểu tối đa tổn thất, mất mát từ các hình thức khí hậu cực đoan…