Theo ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ hiện đón hơn 3,7 triệu người tị nạn Syria, con số lớn nhất thế giới, và quốc gia cửa ngõ châu Âu này lo ngại rằng làn sóng người di cư mới từ Idlib đang tiếp tục đổ về đây. Cuộc xung đột đang diễn ra tại quốc gia Trung Đông này đang là nguyên nhân đẩy nhiều người dân rời bỏ nhà cửa đi tị nạn.
Ông Erdogan cho rằng các cường quốc trên thế giới quan tâm tới vấn đề đưa vũ khí vào Syria nhiều hơn là kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ thiết lập một "vùng an toàn", nơi Ankara dự kiến định cư hàng triệu người tị nạn Syria sau khi "quét sạch" khu vực của Các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), tổ chức bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Tổng thống Erdogan nhấn mạnh với vị trí quốc gia nằm giữa châu Á, châu Âu và châu Phi, Thổ Nhĩ Kỳ chịu ảnh hưởng của hầu hết các sự kiện chính trị, quân sự xảy ra trong khu vực, đặc biệt là tình hình bất ổn và chiến tranh tại Syria, cũng như bất ổn tại Iraq hay Afghanistan. Chính vì vậy, chính quyền Ankara rất quan tâm tới tình hình người Hồi giáo tại các quốc gia này và mong muốn cộng đồng quốc tế chung tay giải quyết vấn đề hiện nay.
Cùng ngày, trong cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Hồi giáo diễn ra tại Malaysia, Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định Ankara cần hợp tác với Chính phủ Syria trong việc chống khủng bố và cải thiện tình hình tại Idlib.
Văn phòng Tổng thống Iran nêu rõ: "Bày tỏ quan ngại về việc Mỹ tiếp tục hiện diện tại Syria và cố gắng chi phối các giếng dầu của nước này, Tổng thống Rouhani cũng kêu gọi Iran và Thổ Nhĩ Kỳ cần hợp tác nhiều hơn với Chính phủ Syria. Ông tiếp tục thúc giục phối hợp với Chính phủ Syria nhằm đánh đuổi các nhóm khủng bố ra khỏi Idlib và thúc đẩy hòa bình tại nước này".
Ngoài ra, Tổng thống Rouhani cũng thảo luận về sự tương tác của Tehran và Ankara trong khuôn khổ tiến trình Astana nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.