Năm nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phát động Tuần lễ quốc tế nhận thức về việc sử dụng kháng sinh một cách đúng đắn, hiệu quả, diễn ra từ ngày 13 đến 19/11.
WHO kêu gọi các quốc gia thành viên, các đối tác trong lĩnh vực y tế, và người dân nói chung tham gia vào Tuần lễ nhận thức về việc sử dụng kháng sinh một cách hiệu quả và truyền tải thông điệp tới đông đảo người dân về tình hình kháng kháng sinh hiện nay.
Trên thế giới, khoảng 400.000 người tử vong mỗi năm do nhiễm khuẩn và việc chữa trị bằng kháng sinh không mang lại hiệu quả. Tại châu Âu, số người tử vong mỗi năm do kháng kháng sinh cũng lên tới 25.000 người.
Tuy nhiên, tình hình kháng kháng sinh không chỉ được biết đến trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng, trong lĩnh vực chăn nuôi, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại với với tình trạng kháng kháng sinh ở động vật nuôi.
Ngày 7/11 WHO đã ra thông cáo báo chí khuyến cáo các nhà chăn nuôi gia súc và ngành công nghiệp thực phẩm ngừng sử dụng kháng sinh một cách thường xuyên để thúc đẩy tăng trưởng và ngăn ngừa bệnh ở các động vật nuôi khỏe mạnh.
Các khuyến cáo mới của WHO nhằm mục đích duy trì hiệu quả của các thuốc kháng sinh quan trọng đối với việc chữa trị cho con người thông qua việc hạn chế sử dụng kháng sinh không cần thiết cho động vật. Ở một số quốc gia, khoảng 80% kháng sinh quan trọng đối với chữa trị cho con người được tiêu thụ trong ngành thú y, và chủ yếu là để thúc đẩy sự tăng trưởng của động vật khỏe mạnh.
Sử dụng kháng sinh thái quá và không phù hợp ở người và động vật làm tăng nguy cơ kháng thuốc. Một số loại vi khuẩn có khả năng gây nhiễm trùng nghiêm trọng ở người đã trở nên kháng với hầu hết các phương pháp điều trị hiện có và rất ít các lựa chọn điều trị hứa hẹn đang được phát triển để có thể thay thế các kháng sinh bị vô hiệu.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO kêu gọi: “Cần thiết có hành hành động mạnh mẽ và bền vững giữa các ngành và lĩnh vực, để chống lại tình hình kháng thuốc và bảo vệ sức khoẻ của người dân trên toàn thế giới".