WHO khuyến cáo dùng hóa chất diệt bọ gậy trong nước uống

Tuy số ca mắc sốt xuất huyết đã chững lại ở mức cao, song nhiều chuyên gia y tế cho rằng, từ nay cho đến tháng 11, dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội vẫn có nguy cơ bùng phát mạnh hơn nếu lơ là tuyên truyền, thiếu giám sát hoạt động phun hóa chất và diệt bọ gậy.

TS Masaya Kato, Điều phối nhóm bệnh truyền nhiễm Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

TS Masaya Kato: "Việt Nam nên xem xét sử dụng hóa chất diệt bọ gậy, bao gồm áp dụng trong nước uống, sinh hoạt".

Theo thống kê của Hà Nội, có đến 46,3% bọ gậy, ấu trùng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, tập trung ở các bể trên 500 lít. Theo ông, Việt Nam nên xử lý những ổ bọ gậy này như thế nào?

Biện pháp giảm các ổ sinh sản của muỗi không chỉ được xem là trách nhiệm của cơ quan quản lý mà còn là trách nhiệm của mọi cá nhân trong cộng đồng và cũng là của nhiều ban, ngành khác .


Mọi người cần góp phần dọn sạch các ổ sinh sản của muỗi, bằng cách tháo bỏ và vệ sinh các thùng có thể chứa nước đọng ít nhất mỗi tuần một lần. Những ổ sinh sản tiềm ẩn của muỗi bao gồm xô, thùng, nồi, lọ hoa, lốp đã qua sử dụng, gáo dừa, và ống máng… Một thông tin cũng đã được biết là muỗi vằn Aedes sinh sản trong các vật chứa lớn như vại hoặc bể chứa nước mà không thể tháo nước và vệ sinh hàng tuần được. Cần xem xét nỗ lực hạn chế muỗi xâm nhập các vật dụng này bằng cách sử dụng màn và nắp đậy và khả năng sử dụng thuốc diệt bọ gậy an toàn.


Bên cạnh đó, WHO đã khuyến nghị một số hóa chất có thể sử dụng để diệt bọ gậy trong nước sạch.


Chúng tôi cũng nhận thấy nhiều thùng chứa nước trên mái nhà không còn được sử dụng để chứa nước. Nếu đúng như vậy, cần tháo nước hoặc hủy bỏ những vật dụng này.

Phân bố muỗi ổ bọ gậy nguồn muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Ae.aegypt tại Hà Nội.

Đề nghị ông thông tin cụ thể về những khuyến nghị của WHO trong việc sử dụng hoá chất diệt bọ gậy trong nước uống, sinh hoạt như Diflubenzuron, Pyriproxyfen và Temephos. Những hóa chất này có đảm bảo an toàn không, thưa ông?


Chương trình An toàn Hóa chất Quốc tế (IPCS) đã đánh giá độc tính của các hoạt chất Methoprene, Pyriproxyfen và Temephos để xác định độ an toàn nhằm sử dụng như thuốc diệt bọ gậy trong nước uống với các liều hiệu quả diệt bọ gậy Aedes nhưng không gây hại cho con người.


Khi sử dụng hóa chất này với các liều và theo tần suất đã được khuyến cáo, sẽ không gây nguy cơ sức khỏe cho con người. Thuốc diệt bọ gậy nêu trên đã được sử dụng ở nhiều nước, bao gồm cả các nước phát triển trong nhiều thập kỷ.


Mặc dù hóa chất được sử dụng rộng rãi để xử lý, biện pháp dùng thuốc diệt bọ gậy cần được xem là biện pháp bổ sung cho công tác quản lý môi trường và nên chỉ hạn chế sử dụng ở các loại thùng chứa không thể loại bỏ được hay không thể xử lý được.

Việc tìm diệt bọ gậy, ấu trùng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, tại Hà Nội cần tập trung nhiều hơn vào việc xử lý ở các bể trên 500 lít. Ảnh: BMQ

Hiện nay, Thông tư 25/20011/TT-BYT về việc sử dụng hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn, chưa cho phép sử dụng những hóa chất mà WHO đã khuyến cáo an toàn trong nước uống, sinh hoạt như Diflubenzuron, Pyriproxyfen và Temephos. Theo ông, Bộ Y tế Việt Nam có cần thay đổi Thông tư này để công tác phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả hơn không ?


Việt Nam nên xem xét sử dụng hóa chất diệt bọ gậy, bao gồm áp dụng trong nước uống, sinh hoạt như một trong những biện pháp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết dengue.


WHO đã thực hiện đánh giá hóa chất sử dụng cho mục đích y tế công cộng. Hiện có 7 hợp chất diệt gọ gậy (Diflubenzuron, Methoprene, Novaluron, Pirimiphos- methyl, Pyriproxyfen, Spinosad và Temephos) và một loại thuốc diệt bọ gậy bằng vi khuẩn đã được WHO đánh giá và liệt kê để sử dụng để diệt muỗi sinh sản trong dụng cụ nước.


Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là việc sử dụng thuốc diệt bọ gậy cần thực hiện như một phần của kế hoạch xử lý toàn diện đối với thói quen trữ nước trong các hộ gia đình và quản lý rác thải sinh hoạt. Hoạt động phòng chống sốt xuất huyết không phụ thuộc hoàn toàn vào biện pháp diệt bọ gậy bằng hóa chất mà còn bao gồm các biện pháp quản lý môi trường khác và sự thay đổi hành vi xã hội.

Nhiều tháng nay, các y, bác sĩ tại các bệnh viện Hà Nội đã phải gồng mình để chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân sốt xuất huyết. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.


Vì lo ngại dịch sốt xuất huyết lây lan, cơ quan chức năng của Hà Nội đã tiến hành nhiều đợt phun hóa chất diện rộng; người dân cũng tự mua hoặc thuê phun hóa chất không theo hướng dẫn. Theo ông, tình trạng này có làm gia tăng nguy cơ muỗi kháng thuốc khôngtới đây, Hà Nội cần triển khai phun hóa chất như thế nào để đảm bảo hiệu quả?


Chúng tôi xin nhấn mạnh là cần có một phương pháp tiếp cận toàn diện để kiểm soát hiệu quả và bền vững bệnh sốt xuất huyết dengue. Giảm các ổ sinh sản của muỗi quanh năm thông qua việc huy động cộng đồng, kết hợp với tự bảo vệ là rất quan trọng.


Tuy nhiên, khi số ca mắc tăng mạnh, cần phun thuốc diệt muỗi tập trung vào các khu vực đã được xác định có lây truyền. Có nhiều cách phun thuốc muỗi. Tại Việt Nam, cách thông thường nhất là phun không gian. Tuy cách phun không gian để chống muỗi gây sốt xuất huyết dengue trong thời gian xảy ra dịch bệnh đã được chứng minh là có hiệu quả nhưng hiệu quả này thường chỉ là tạm thời và mật độ muỗi có thể tăng trở lại sau một thời gian ngắn.


Việc phun không gian để chống muỗi Aedes tại thời điểm xảy ra dịch sốt xuất huyết dengue cần được tiến hành khi muỗi Aedes hoạt động mạnh nhất; đó là từ 6 giờ 30 - 10 giờ và từ 15 giờ - 17 giờ. Phun thuốc vào ban đêm có hiệu quả rất hạn chế. Một số lượng lớn muỗi Aedes đã nhiễm bệnh có thể trú trong nhà và việc tập trung diệt số muỗi đã nhiễm vi rút này có tác dụng quan trọng, và chính là mục đích của công tác phun không gian trong thời gian xảy ra dịch bệnh.


Gần đây, chúng tôi khuyến nghị một phương pháp khác là phun tồn lưu chọn lọc trong nhà: Chúng ta phun thuốc diệt côn trùng tồn lưu lâu dài lên các bề mặt muỗi hay đậu trong nhà tại các gia đình có bệnh nhân nhiễm bệnh và những nhà giáp gianh trực tiếp và tại những nơi dự kiến có thể có bệnh nhân nhiễm bệnh như phòng khám, bệnh viện, trường học và nơi nghỉ ngơi của công nhân công trường xây dựng có nhiều ca mắc đã được ghi nhận. Tác động của phương pháp tiếp cận này là bền vững hơn nhiều. Chúng tôi đang làm việc với Bộ Y tế để áp dụng phương pháp này cho các hoạt động trong tương lai.


WHO khuyến khích sử dụng phun thuốc diệt côn trùng cho các chương trình y tế công cộng để diệt muỗi vằn Aedes phải do các đội phun thuốc đã qua tập huấn thực hiện. Những đội này cần được đào tạo về sử dụng đúng liều thuốc diệt côn trùng, đúng thời điểm và phương pháp áp dụng. Điều này sẽ giúp giảm thiểu việc người dân bị phơi nhiễm không cần thiết với thuốc diệt côn trùng, tối đa hóa tác động của nỗ lực chống véc- tơ truyền bệnh và giảm cơ hội cần tăng cường đáp ứng bằng thuốc diệt côn trùng.


Xin cảm ơn ông!


Tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 2.605 trường hợp sốt xuất huyết mới (giảm 307 trường hợp so với tuần từ ngày 21 - 27/8). Tích lũy từ đầu năm đến nay Thành phố ghi nhận 24.264 trường hợp mắc và 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Một số đơn vị có số mắc cao trong tuần là Hoàng Mai (354); Đống Đa (271); Thanh Xuân (250); Hà Đông (232); Hai Bà Trưng (232)…

Tuy số mắc đã chững lại ở mức cao nhưng thực tế, dịch sốt xuất huyết vẫn rất "nóng" tại cộng đồng.


Phương Liên/Báo Tin Tức
Hà Nội nhiều bất cập trong khống chế dịch sốt xuất huyết - Bài 1 : 'Loạn' phun hóa chất
Hà Nội nhiều bất cập trong khống chế dịch sốt xuất huyết - Bài 1 : 'Loạn' phun hóa chất

Diệt muỗi, nhất là bọ gậy (ấu trùng của muỗi) là giải pháp vô cùng quan trọng trong công tác khống chế dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, tại Hà Nội, giải pháp này được thực hiện thiếu triệt để, nhiều bất cập và kém hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN