Trong thông báo được đăng tải trên mạng xã hội Twitter, bộ trên nêu rõ các bác sĩ Cuba sẽ giúp tăng cường hệ thống y tế của nước này trong cuộc chiến chống dịch bệnh.
Trước đó, ngày 15/12, Panama thông báo sẽ thuê các bác sĩ từ Cuba, Mỹ, Mexico, Venezuela và Colombia để đối phó với dịch COVID-19 trong bối cảnh hệ thống y tế của quốc gia “kênh đào” này đang đứng trước nguy cơ “sụp đổ” sau khi Panama nối lại hầu hết các hoạt động kinh tế. Phản ứng về thông báo này của Panama, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Tây bán cầu Micheal Kozak cảnh báo rằng các chính phủ thuê nhân viên y tế Cuba “cần đảm bảo sự minh bạch trong hợp đồng và trả lương trực tiếp cho người làm việc”.
Với 4,2 triệu dân, Panama hiện là quốc gia có số ca mắc COVID-19 nhiều nhất khu vực Trung Mỹ - với hơn 220.000 bệnh nhân và 3.664 ca tử vong. Đặc biệt sau khi nối lại hầu hết các hoạt động kinh tế kể từ tháng 9 vừa qua, Panama đã ghi nhận 40.000 ca mắc mới và 500 ca tử vong chỉ trong vòng 18 ngày gần đây. Vấn đề quá tải trong các bệnh viện và thiếu trầm trọng nhân lực y tế đã khiến chính phủ nước này phải sử dụng các cơ sở hạ tầng khác nhau để thành lập các bệnh viện dã chiến điều trị cho người bệnh.
Trong khi đó, các lực lượng vũ trang Ai Cập cùng ngày 24/12 đã cử một máy bay quân sự chở lương thực và thiết bị y tế tới Mali để hỗ trợ nước này chống dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, người phát ngôn của quân đội Ai Cập Tamer al-Refai cho biết số hàng hóa trên bao gồm một lượng lớn vật tư y tế, chất khử trùng, khẩu trang y tế, quần áo bảo hộ và thực phẩm. Người phát ngôn này nêu rõ máy bay trên đã rời Cairo ngày 24/12 chuyển hàng cứu trợ tới thủ đô Bamako của Mali.
Kể từ khi cuộc khủng hoảng do dịch bệnh COVID-19 bùng phát đến nay Ai Cập đã thực hiện nhiều đợt viện trợ y tế và nhân đạo cho các nước châu Phi để hỗ trợ các nước này chống dịch. Trước Mali, Ai Cập đã viện trợ cho Sudan, Nam Sudan, Zambia và CHDC Congo.