Số lao động thất nghiệp không tự nguyện của 4 tháng đầu năm 2020 là 1.045.000 người, mức cao nhất từ sau năm 2000. Con số này còn cao hơn thời kỳ khủng hoảng tuyển dụng tại thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đặc biệt, số lao động thất nghiệp không tự nguyện tăng cao gấp hai lần. Mức cao nhất của năm 2009 là 638.000 người.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Cục Thống kê Quốc gia Hàn Quốc thực hiện việc khảo sát dân số hoạt động kinh tế vào trung tuần mỗi tháng để nắm bắt số lao động thất nghiệp, thời kỳ thất nghiệp và lý do thất nghiệp của những lao động mất việc làm hoặc không hoạt động kinh tế. Nếu người tham gia khảo sát lựa chọn một trong 4 lý do thất nghiệp gồm công ty đóng cửa, nghỉ hưu và sa thải, hoàn thành công việc thời vụ, không có việc làm hoặc công việc kinh doanh trì trệ, họ sẽ được phân loại vào nhóm lao động thất nghiệp không tự nguyện.
Xét theo từng hạng mục, số lao động thất nghiệp lựa chọn 4 lý do trên đều đạt mức cao nhất trong 4 tháng vừa qua. Cụ thể, lao động thất nghiệp do hoàn thành công việc thời vụ và do không có việc làm hoặc kinh doanh trì trệ lần lượt là 335.000 người và 344.000 người (chiếm tỷ lệ nhiều nhất). Tiếp đến là 205.000 lao động thất nghiệp do nghỉ hưu hoặc sa thải và 160.000 người thất nghiệp do doanh nghiệp đóng cửa.
Lao động thất nghiệp chủ yếu tập trung ở những doanh nghiệp quy mô nhỏ. Trong tổng số 2.076.000 lao động thất nghiệp kể trên có 855.000 người làm việc ở các doanh nghiệp quy mô dưới 5 người, 450.000 người thuộc doanh nghiệp quy mô từ 5-9 người. Cùng thời điểm trên, số lao động kinh doanh nhỏ lẻ ngừng hoạt động kinh doanh là 146.000 người, trong đó có 114.000 người không tuyển dụng nhân viên. Đặc biệt, số lao động thất nghiệp giữ vai trò là "trụ cột" của gia đình là 866.000 người, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Báo cáo cũng chỉ ra nguyên nhân chính khiến lao động thất nghiệp gia tăng kể trên là do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát. Bên cạnh đó, sự trì trệ của nền kinh tế đã gây ra sự bất ổn trong khâu tuyển dụng nhân viên.