Trong khi đó, theo các chuyên gia, diễn biến trong những ngày đầu của làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra tại Israel cho thấy nhóm bệnh nhân là người đã tiêm phòng có triệu chứng nhẹ hơn rất nhiều so với nhóm chưa tiêm.
Cụ thể, dữ liệu do Bộ Y tế Israel công bố cho thấy chỉ có 14% người dân Israel trên 20 tuổi chưa được tiêm phòng COVID-19 nhưng nhóm này lại chiếm tới 45% số ca bệnh nặng. Xu hướng này được thể hiện rõ nhất khi nhìn vào các ca phải sử dụng các biện pháp can thiệp cao hơn như sử dụng máy thở oxy màng ngoài qua tim phổi nhân tạo (ECMO) và máy trợ thở.
Theo Giáo sư Nadav Davidovitch, chuyên gia chính sách y tế từ đại học Ben-Gurion, hiện nay tại Israel có 13 ca bệnh COVID-19 nguy kịch phải sử dụng ECMO và 100% là các bệnh nhân chưa tiêm phòng. Bên cạnh đó, 81% bệnh nhân COVID-19 cần máy trợ thở trong các bệnh viện hoặc là người chưa tiêm phòng hoặc là chưa tiêm đủ số mũi cần thiết. Trong số 57 bệnh nhân COVID-19 thể nặng dưới 60 tuổi thì có 43 người chưa tiêm phòng.
Sự chênh lệch càng rõ hơn nếu phân tích theo độ tuổi các bệnh nhân. Trong nhóm người Israel từ 60-69 tuổi, tỷ lệ bệnh nặng là 40/100.000 người ở nhóm chưa tiêm phòng, còn ở nhóm đã tiêm phòng tỷ lệ chỉ là 2,8/100.000 người. Trong nhóm từ 70-79 tuổi, tỷ lệ này là 46,6/100.000 người ở nhóm chưa tiêm phòng và 6,8/100.000 người ở nhóm đã tiêm phòng. Các dữ liệu được tính đến ngày 11/1.
Theo Giáo sư Hagai Levine, chủ tịch Hiệp hội bác sĩ cộng đồng Israel, căn cứ vào những dữ liệu trên, Chính phủ Israel đã không vội mở rộng triển khai tiêm mũi vaccine thứ 4 cho người dưới 60 tuổi. Giáo sư Levine cho rằng những dữ liệu trên chỉ ra nguy cơ bệnh nặng ở những người dưới 60 tuổi đã tiêm 3 mũi vaccine phòng bệnh, là đặc biệt thấp.
Theo Tiến sĩ Oren Kobiler, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Tel Aviv, mối liên hệ giữa việc tiêm phòng bệnh và mức độ nghiêm trọng khi mắc bệnh tại Israel được cho là khá tương đồng với tình hình tại Mỹ, quốc gia đã chứng kiến Omicron tổng lực hoành hành trong vài tuần trước. Tại New York, gần 90% các ca nhập viện vì COVID-19 là người chưa tiêm phòng. Dù số người đã tiêm phòng nhưng vẫn mắc bệnh ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh do Omicron gây ra cao hơn so với các làn sóng trước nhưng tình trạng bệnh của những người này ít nghiêm trọng hơn so với những người chưa tiêm phòng.
Theo Tiến sĩ Kobiler, đây chính là điều mà giới khoa học mong đợi như những bằng chứng rằng việc tiêm phòng thực sự phát huy hiệu quả. Một mặt, ông Kobiler cũng cho rằng để hiểu rõ hơn về Omicron vẫn cần phải thu thập thêm các dữ liệu từ các quốc gia khác như Anh, nơi có tỷ lệ người chưa tiêm phòng hoặc chưa mắc bệnh chỉ khoảng 5% dân số nhưng số ca bệnh nặng vẫn tăng, hầu hết là nhiễm biến thể Omicron. Mặt khác, ông khẳng định một điều chắc chắn là hầu hết các ca bệnh nặng đều xảy ra ở những người chưa tiêm phòng hoặc có vấn đề trong hệ miễn dịch khiến vaccine không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tuy nhiên, tại Israel, giáo sư Kobiler cảnh báo hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định các bệnh viện sẽ không phải tiếp nhận số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 thể nặng. Theo ông, hiện Israel mới đang trong giai đoạn đầu lây lan Omicron khi số ca mắc mới vừa bắt đầu tăng. Thông thường, tình hình dịch bệnh nếu chuyển biến xấu sẽ bắt đầu sau ít nhất 1 tuần lây lan mạnh. Cũng giống như các làn sóng dịch bệnh trước, Omicron lây lan vào Israel từ nước ngoài, thường là những người giàu có và đã tiêm phòng, sau đó mới lan dần tới nhóm người nghèo hơn, chưa tiêm phòng và đây mới là lúc các bệnh viện bắt đầu chịu áp lực.
Về phần mình, Giáo sư Levine đặc biệt lưu ý, trong làn sóng dịch do Omicron gây ra, nguy cơ bệnh nặng xảy ra với toàn bộ các nhóm tuổi nói chung là cao hơn. Do đó, ông nhấn mạnh cần kêu gọi càng nhiều người đi tiêm phòng càng tốt vì vaccine có hiệu quả bảo vệ trước nguy cơ bệnh nặng ở mọi nhóm tuổi và nhóm chưa tiêm phòng nếu nhiễm biến thể Omicron vẫn có nguy cơ bệnh nặng.