Những huyền thoại bí ẩn về hồ nước sâu nhất thế giới

Xoay quanh hồ nước sâu nhất thế giới Baikal luôn có những truyền thuyết bí ẩn, chẳng hạn như câu chuyện về con rồng hung tợn, kho vàng của Đế chế Nga và đường hầm dẫn đến vùng đất vĩnh cửu.

Hồ Baikal ở Siberia của Nga là hồ nước lâu đời nhất và sâu nhất trên hành tinh của chúng ta. Suốt nhiều thế kỷ qua, người dân địa phương đã coi Baikal như chốn linh thiêng và truyền lại những câu chuyện bí ẩn cho các thế hệ sau. 

Con rồng hung dữ

Chú thích ảnh
Du khách đi bộ trên lòng hồ Baikal đã đóng băng. Ảnh: Getty Images

Tương tự hồ Loch Ness ở Scotland, Baikal cũng gắn liền một con “quái vật” Nessie của riêng mình và đó thực sự là một câu chuyện đáng sợ. Truyền thuyết kể rằng một con rồng nước trú ngụ ở Vịnh Mukhorsky, nơi ấm nhất của hồ nước này và thường xuyên kéo ngư dân xuống dưới nước. Một số người cho rằng nó giống như một con cá tầm khổng lồ với bộ mặt xấu xí.

Nhiều người lại khẳng định nó là một con quái vật thằn lằn có móng vuốt và gai nhọn chạy dọc lưng, trong khi những người khác tin rằng con quái vật này trông giống như một loài cá sấu cổ đại. Cách đây vài thế kỷ, người dân bản địa vẫn cúng tế lông thú, đồ trang sức và thức ăn, thậm chí cả máu, để quái vật không nổi giận. 

Trên thực tế, vào thập niên 1980, các nhà nghiên cứu Liên Xô đã phát hiện được một vật thể chuyển động, dài khoảng 30 mét trong lòng hồ Baikal bằng thiết bị định vị bằng tiếng vang, nhưng họ không thể xác định rõ nó là thứ gì. Những người đam mê săn lùng quái vật Nga và nước ngoài hiện vẫn lời giải cho bí ẩn trên.

Kho vàng của Đế chế Nga

Chú thích ảnh
Tàu lặn Mir 2 chuẩn bị thám hiểm lòng hồ Baikal. Ảnh: TASS

Một trong những bí ẩn lịch sử lớn chưa được giải đáp chính là vụ kho vàng của Đế quốc Nga biến mất sau năm 1917. Khi đó, đất nước rơi vào cuộc nội chiến giữa những người ủng hộ chế độ Nga hoàng (Bạch vệ) và những người ủng hộ chế độ mới (Hồng quân). Kho dự trữ vàng được chuyển từ trung tâm thủ đô đến tận Siberia.

Khi được tìm thấy năm 1919, hóa ra nhiều thùng bị đánh tráo thay bằng gạch. Khoảng 180 tấn vàng đã biến mất. Một số người tin rằng kho vàng của Đế quốc Nga đã chìm dưới hồ nước sâu nhất thế giới, khi con tàu chở vàng gặp sự cố trên tuyến đường sắt Circum – Baikal. 

Nhiều lần, tàu lặn Mir trong quá trình thám hiểm đáy hồ Baikal đã tìm thấy dấu những chiếc hộp có tuổi đời hàng thế kỷ và thậm chí cả những thỏi vàng lấp lánh trên đó. Tuy nhiên, những cổ vật này không bao giờ được lấy lại do đáy hồ liên tục dịch chuyển.

Sông Angara

Chú thích ảnh
Tảng đá Shaman nằm ở thượng nguồn sông Angara. Ảnh: Sputnik

Đây có lẽ là truyền thuyết lãng mạn và phổ biến nhất về Baikal. Tổng cộng có khoảng ba trăm con sông và dòng suối chảy vào hồ Baikal, nhưng chỉ có một con sông duy nhất chảy ra là Angara. Đó là một trong những con sông chính của Siberia và trong truyện cổ xưa, Angara được coi là "con gái" của Baikal.

Người dân Seberia ví Baikal như một bá tước giàu có chuyên thu thuế từ các vùng đất xung quanh, còn cô con gái Angara là người hoàn trả lại tất cả. Cô ấy sở hữu một chiếc vòng cổ và giấu kín không cho ai xem vì muốn để dành nó cho người chồng tương lai của mình. Sau này, Baikal thông báo quyết định gả con gái với tất cả các hiệp sĩ ở vùng lân cận. Người cha đã chọn chàng trai trẻ tên Irkut, mặc dù cô con gái lại đem lòng thích hiệp sĩ Yenisei. Nhưng lời của cha không được phép làm trái, ông nhốt cô lại. Cuối cùng, vào đêm trước lễ cưới, Angara bỏ chạy khỏi nhà, mang theo chuỗi vòng cổ.

Tại nơi cô gặp Irkut, bây giờ là thành phố Irkutsk, cô đã giật đứt chiếc vòng và ném hạt ngọc phân phát cho người dân. Và nơi cô gặp người thương Yenisei, chính là nơi con sông Angara chảy vào sông Yenisei. Truyền thuyết kể rằng cô gái Angara không bao giờ trở về nữa khiến người cha không khỏi nhớ thương. Ông đã khóc đến tận khi trút hơi thở cuối cùng và nước mắt của ông đã biến thành hồ Baikal. Và Angara trở thành con sông duy nhất chảy ra khỏi Baikal, tựa như cô gái chạy trốn đi tìm người thương. 

Thế giới khác

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa - Getty Images

Baikal là hồ sâu nhất thế giới và người dân Seberia đã biết điều này từ trước khi có kết luận khoa học chính thức. Những câu chuyện cổ xưa kể lại rằng ở dưới hồ là một vực thẳm không đáy dẫn đến một đại dương rộng lớn hoặc một thế giới khác. Ở phía trên vực thẳm này có một xoáy nước mạnh, cuốn tàu thuyền đi ngang qua vào một vùng không gian khác. 

Lần đầu tiên người ta có thể tính toán độ sâu của hồ vào là những năm 1930 và sau đó cập nhật liên tục. Hóa ra độ sâu trung bình của hồ Baikal là 740 mét, nhưng ở đáy có vô số khe nứt, đặc biệt là một nơi sâu đến 1642 mét, được cho là “vực thẳm không đáy” trong truyền thuyết. Tuy nhiên, đó đơn thuần là một điểm đứt gãy kiến tạo.

Tên gọi của hồ Baikal

Chú thích ảnh
Hồ Baikal nhìn từ vũ trụ. Ảnh: NASA

Các nhà khoa học vẫn đang tranh cãi về niên đại của hồ Baikal. Theo lý thuyết chính, hồ nước này đã tồn tại khoảng 25 - 35 triệu năm, nhưng một số chuyên gia lại tính toán nó chừng 150.000 năm và 8.000 năm tuổi. Được biết, con người bắt đầu sống xung quanh hồ này từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên. Mặc dù xuất thân từ những dân tộc khác nhau nhưng họ đều gọi hồ nước bằng những cái tên khá giống nhau.

“Bai” trong nhiều ngôn ngữ có nghĩa là “tuyệt vời, to lớn”. Trong tiếng của người Buryat, “Baigal-dalai” có nghĩa là “khối nước lớn, giống như biển”. Trong tiếng Yakut, “baihal”, “baig’al” có nghĩa là “vùng nước sâu, lớn”. Một truyền thuyết khác cho rằng hồ Baikal được hình thành trên một ngọn núi p lửa và tên của nó có nghĩa là "Đứng trên lửa".

Hoàng Trang/Báo Tin tức (Theo Russia Beyond)
Mùa đông không lạnh trên hồ Baikal
Mùa đông không lạnh trên hồ Baikal

Bất chấp cái lạnh dưới -20 độ C, mùa đông trên Hồ Baikal, hồ nước ngọt lớn nhất thế giới tại Nga, luôn tấp nập vì có nhiều du khách Nga đến cảm nhận vẻ đẹp đặc biệt của hồ nước bị đóng băng hoàn toàn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN