Vùng đất anh hùng Cư Pơng 'nở hoa'

Trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk là căn cứ cách mạng vững chắc của thế trận lòng dân.

Chú thích ảnh
Nông dân xã Cư Pơng đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nhân dân Cư Pơng đã chiến đấu ngoan cường cho đến ngày giải phóng. Phát huy truyền thống hào hùng trong kháng chiến, ngày nay, đồng bào các dân tộc anh em xã Cư Pơng tiếp tục "gieo" những mầm hoa trên những ngọn đồi căn cứ năm xưa.

Căn cứ địa cách mạng Cư Pơng

Trong không khí hào hùng của những ngày cả nước hướng tới kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công, phóng viên có dịp vượt qua những ngọn đồi trên Cao nguyên Đắk Lắk, tìm về vùng đất anh hùng Cư Pơng, trò chuyện của đồng bào Ê Đê, Jrai… từng tham gia kháng chiến. Qua những câu chuyện, chúng tôi cảm nhận phần nào lịch sử hào hùng, oanh liệt của những người con Cư Pơng.

Ông Y’Kha Mlô, Bí thư Đảng ủy xã Cư Pơng cho biết, từ những năm 1940, đồng bào Ê đê, Jrai ở Cư Pơng đã giác ngộ cách mạng. Những ngọn đồi, những cánh rừng ở Cư Pơng trở thành căn cứ địa cách mạng vững chắc. Tuy đời sống còn khó khăn nhưng người Ê Đê luôn quyết đi theo con đường cách mạng của Đảng, cống hiến sức người, sức của cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Chú thích ảnh
100% hộ gia đình có ti vi.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, căn cứ địa Cư Pơng là điểm đánh phá ác liệt của quân địch. Bom đạn kẻ thù không khuất phục được ý chí của nhân dân vùng căn cứ Cư Pơng. Ông Y’Sơn Kpá (sinh năm 1936), buôn Xóm A, xã Cư Pơng cho biết, ông đã tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Trong những năm kháng chiến, đồng bào dân tộc Ê Đê xã Cư Pơng đã nuôi giấu cán bộ, tiếp tế lương thực, vũ khí cho bộ đội tại các điểm căn cứ trong những cánh rừng già xã Cư Pơng. Nơi đây là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến, liên tục bị đánh phá. Gánh chịu nhiều đau thương mất mát, bà con các buôn làng Cư Pơng vẫn luôn kiên trung giữ vững niềm tin, đấu tranh cho đến ngày toàn thắng.

Ghi nhận những đóng góp của nhân dân và lực lượng vũ trang xã Cư Pơng trong hai cuộc kháng chiến, năm 1994, Nhà nước phong tặng xã Cư Pơng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.


Nở hoa trên vùng căn cứ

Bom đạn kẻ thù từng giày xéo lên mảnh đất Cư Pơng, trên những ngọn đồi vẫn còn nhiều hố bom. Sau ngày đất nước giải phóng, những người con Cư Pơng lại tiên phong trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội, “biến” những ngọn đồi đầy thương tích do chiến tranh thành vùng đất bạt ngàn hồ tiêu, cà phê…Vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến nay đã “nở hoa”.

Ngày nay, Cư Pơng không còn là những con đường đất đỏ bazan, thay vào đó là hệ thống đường nhựa đi vào các thôn buôn vùng sâu. Nhằm xây dựng nông thôn mới, người dân Cư Pơng đã nhiệt tình hiến đất làm đường, góp sức làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Ông Y’Khu Ayun, Phó trưởng buôn Ea Klok, xã Cư Pơng chia sẻ, những năm gần đây, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn được người dân hưởng ứng nhiệt tình. Nhiều hộ dân đã đồng lòng hiến đất hai bên đường để bê tông hóa các con đường. Trước đây, đường giao thông đi lại khó khăn, từ khi có đường bê tông, đồng bào đến rẫy thuận lợi hơn.

Hiện Cư Pơng đã cơ bản hoàn thành tiêu chí đường giao thông trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới với 90% đường liên huyện, 32% đường liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa. Những ngôi nhà của đồng bào các dân tộc khang trang hơn. Những ngôi nhà được xây bằng bê tông kiên cố dần thay thế những ngôi nhà ván tạm bợ. Những ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê được tu sửa kiên cố. Các gia đình có các thiết bị nghe nhìn, trang thiết bị sinh hoạt, phương tiện đi lại đầy đủ.

Chú thích ảnh
Trạm Y tế xã Cư Pơng được đầu tư hệ thống máy móc hiện đại. 

Trước đây, người dân bị bệnh chủ yếu tự chữa trị tại nhà, vì muốn đến bệnh viện phải vượt qua quãng đường hàng chục km. Giờ đây, trạm y tế xã Cư Pơng đã được đầu tư hiện đại đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Trạm y tế xã có máy xét nghiệm, máy siêu âm… cùng đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Cư Pơng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất như Chương trình 135 (chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi), Chương trình 134 (chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn), Chương trình 102 (chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn)…. Cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, Cư Pơng  đã gặt hái được nhiều thành quả trong "cuộc chiến" chống đói nghèo.

Từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, sản xuất lạc hậu theo kiểu “chọc lỗ tra hạt”, nhân dân Cư Pơng đã ổn định cuộc sống, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều hộ đã vươn lên làm giàu với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 31 triệu đồng/năm; trong đó có 20% thuộc diện hộ giàu có biệt thự, xe ô tô. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể. Hiện Cư Pơng còn 587 hộ nghèo, chiếm 22,6%; có 535 hộ cận nghèo chiếm 20,6%. Xã phấn đấu mỗi năm giảm trên 3% số hộ nghèo và tiến tới “nói không” với nghèo đói.

Ông Y’ Hloắt Êban, buôn Adrơng, một trong những nông dân điển hình tiên tiến của xã Cư Pơng chia sẻ: Những năm trước đây, bà con chỉ biết trồng cây, canh tác theo kiểu truyền thống, để mặc cho “ông trời”. Đến nay bà con được tham gia tập huấn nông nghiệp, tìm hiểu kỹ thuật canh tác qua báo đài để ứng dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhiều gia đình đã mua được xe ô tô phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh và đi lại.

Cơ sở hạ tầng của xã được quan tâm đầu tư. Hệ thống kênh mương thủy lợi đảm bảo nước tưới cho khoảng 70% diện tích cây trồng. 100% thôn, buôn trong toàn xã sử dựng điện lưới Quốc gia để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Những yếu tố này đã tạo thuận lợi để người dân phát triển kinh tế với các loại cây công nghiệp giá trị cao như cà phê, hồ tiêu, cao su, điều cùng các loại cây xen canh như sầu riêng, bơ, chanh dây đạt hiệu quả kinh tế cao.

Ông Trần Thành, Chủ tịch UBND xã Cư Pơng chia sẻ: xã Cư Pơng đã lồng ghép tốt các chính sách, dự án của Chính phủ để đầu tư phát triển sản xuất. Hiện xã có trên 3.500 ha cà phê kinh doanh, 213 ha cao su, 217 ha hồ tiêu… cùng các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, mỗi năm đem lại giá trị sản xuất hàng trăm tỷ đồng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Trong xây dựng nông thôn mới, Cư Pơng đã hoàn thành 16/19 tiêu chí và có 2 tiêu chí cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới. Xã Cơ Pơng phấn đấu đến năm 2020 sẽ cán đích nông thôn mới.

Đánh giá về những đổi thay trên vùng căn cứ Cư Pơng, ông Y’Mơ Mlô, Phó Bí thư Huyện ủy Krông Búk khẳng định: Được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng sự nỗ lực của chính quyền địa phương và nhân dân, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc anh em xã Cư Pơng đã chuyển mình mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng truyền thống hào hùng, ý chí tự cường của người dân Cư Pơng sẽ là hành trang giúp nhân dân và chính quyền xã Cư Pơng vượt qua mọi gian khó, xây dựng nơi đây thành vùng đất trù phú, giàu có, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân.

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Đổi thay ở Cư Pơng
Đổi thay ở Cư Pơng

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Đắk Lắk.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN