Hiện, huyện đang tập trung huy động mọi nguồn lực phấn đấu đến năm 2025 sẽ trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn.
Nông thôn khởi sắc
Về miền đất gió Than Uyên, dọc trên các tuyến đường, bản làng của huyện, đâu đâu cũng thấy hệ thống cơ sở hạ tầng được xây dựng khang trang. Đặc biệt, cơ sở hạ tầng đường giao thông, thủy lợi được kiên cố hóa. Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư bài bản, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và công tác khám chữa bệnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện và nâng cao, bà con phấn khởi trước những thay đổi rõ nét của quê hương.
Xã Pha Mu cách trung tâm thị trấn huyện Than Uyên gần 30km là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Than Uyên có 5 bản với 186 hộ gia đình đồng bào dân tộc Thái, Mông sinh sống. Do đặc thù là xã đặc biệt khó khăn, cùng với đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên việc xây dựng nông thôn mới xã Pha Mu còn gặp nhiều vướng mắc.
Khi bắt tay xây dựng nông thôn mới, xã Pha Mu gặp nhiều khó khăn như: một số cán bộ, đảng viên và người dân chưa có nhận thức đầy đủ về việc xây dựng nông thôn mới, còn lúng túng trong chỉ đạo, tuyên truyền, vận động chưa sâu rộng. Đời sống người dân còn thiếu thốn, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa có... Vì vậy, việc huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế.
Thế nhưng, giờ đây Pha Mu đã đổi thay về nhiều mặt. Ông Lò Văn Lun, Bí thư Đảng ủy xã Pha Mu cho biết, nhờ sự hỗ trợ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh Lai Châu, huyện Than Uyên và sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng ủy, chính quyền, nhân dân xã Pha Mu, sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới bộ mặt nông thôn của xã đã thay da đổi thịt. Đến nay, xã đạt được 15/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại xã đang tập trung hoàn thiện, phấn đấu cuối năm 2021 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đời sống của người dân trên địa bàn xã Pha Mu được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người dự kiến năm 2021 đạt 38 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 12%. Trong phát triển kinh tế, xã đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng quế, chanh leo, chuối.
Đặc biệt, xác định chăn nuôi là ngành mũi nhọn của nền kinh tế địa phương, xã tuyên truyền, vận động và khuyến khích các hộ dân chuyển đổi phương thức chăn nuôi, hình thành mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo theo quy mô trang trại, gia trại. Từ đó, tạo thu nhập ổn định, cải thiện đời sống cho người dân.
Chẳng hạn như anh Lò Văn Mặc, dân tộc Thái, ở bản Chít xã Pha Mu đã chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang chăn nuôi gia súc với 16 con trâu, bò và dê. Cùng đó anh kết hợp trồng quế đã mang lại thu nhập ổn cho gia đình.
Anh Mặc chia sẻ, từ khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, gia đình anh có thu nhập hơn 60 triệu đồng/năm từ chăn nuôi và 20 triệu đồng/năm tiền dịch vụ môi trường rừng. Trước đây trồng lúa, ngô chỉ đủ ăn, không có dư giả, nhưng nay có thêm thu nhập, cuộc sống cũng ổn định hơn.
Còn anh Vừ A Khư, người dân tộc Mông ở bản Huổi Bắc, xã Pha Mu đã mạnh dạn chăn nuôi gia súc và đến nay anh nuôi 4 con bò, 3 con trâu. Mỗi năm tổng thu nhập của gia đình khoảng 50 - 60 triệu đồng. Thời gian tới anh tiếp tục chú trọng chăn nuôi gia súc và kết hợp trồng quế với hy vọng có thêm thu nhập.
Ông Nguyễn Văn Nội, Chủ tịch UBND xã Pha Mu cho hay, xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thời gian tới, xã tập trung các giải pháp hoàn thành 4 tiêu chí còn lại gồm thông tin và truyền thông thực hiện, thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo; trong đó, xã tăng cường chỉ đạo các thôn bản tích cực tham gia đóng góp ngày công xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn; huy động nguồn vốn xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới...
Mặt khác, Pha Mu tiếp tục tuyên truyền người dân phát triển kinh tế hộ gia đình, chú trọng đến các sản phẩm chanh leo, chăn nuôi gia súc, mật ong rừng, măng khô. Nhất là ứng dụng khoa học công nghệ trong việc xây dựng mô hình chăn nuôi gà đen dưới tán rừng sản xuất. Từ đó, hướng tới xây dựng nhãn hiệu chứng nhận gà đen Pha Mu, nhằm mở ra hướng phát triển kinh tế mới.
Xây dựng lộ trình cụ thể
Đến nay, huyện Than Uyên có 7/11 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 37,1 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,98%; hơn 699 km đường giao thông nông thôn được cứng hóa; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; trên 99,1% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia thường xuyên.., chất lượng các tiêu chí ngày được duy trì và từng bước nâng lên.
Ông Nguyễn Văn Thăng, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Than Uyên trở thành huyện nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền huyện Than Uyên đã xây dựng lộ trình cụ thể, không nóng vội, chạy theo thành tích. Mục tiêu này được coi là điểm nhấn của nhiệm kỳ 2021 - 2025 mà huyện định hướng cho hành động của Đảng bộ và nhân dân.
Theo đó, đối với 7 xã đã đạt chuẩn, huyện chỉ đạo rà soát kỹ các tiêu chí để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng; xây dựng ít nhất 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 bản nông thôn mới gắn với du lịch cộng đồng.
Còn 4 xã Tà Mung, Khoen On, Tà Hừa, Pha Mu, huyện chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phân bổ nguồn lực hợp lý; đồng thời, xác định tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, các tiêu chí không phải bố trí kinh phí cần quyết liệt thực hiện hiệu quả.
Riêng 9 nhóm tiêu chí của huyện đạt chuẩn nông thôn mới, Than Uyên sẽ tập trung thực hiện tiêu chí giao thông, môi trường và văn hóa, giáo dục. Đối với tiêu chí sản xuất, huyện đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 3 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 48,5 triệu đồng; 100% các xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều dưới 12%.
Xác định người dân đóng vai trò chủ thể trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, huyện Than Uyên đẩy mạnh tuyên truyền bà con nhân dân hiểu về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi”.
Mặt khác, Than Uyên khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống, thu hút và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân xây dựng cơ sở chế biến các sản phẩm nông sản địa phương; đồng thời, tận dụng linh hoạt, lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ; tăng cường các hình thức hợp tác công - tư và xã hội hóa để thu hút đầu tư.