Trồng cây đặc sản kết hợp chăn nuôi đạt hiệu quả cao

Phong trào chuyển đổi sản xuất để làm giàu đang được nông dân vùng ven thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) tích cực hưởng ứng, qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, cách làm hay, hiệu quả.

Đáng lưu ý là mô hình trồng bưởi da xanh đặc sản kết hợp với chăn nuôi dê đã dựng nên cơ nghiệp bền vững của nông dân Nguyễn Văn Đào, ngụ tại ấp Bình Lợi, xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho.


Chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ ở xã Trung Hòa, Chợ Gạo (Tiền Giang).


Ông Đào từng tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, phục viên về địa phương từ năm 1981. Khi đó, xã Tân Mỹ Chánh quê ông còn là vùng ven đô thị nghèo khó, độc canh cây lúa, cuộc sống người dân rất khó khăn. Gia đình ông cũng không ngoại lệ. Ông được hưởng thừa kế của cha mẹ khoảng 1 ha đất canh tác. Những năm đầu tiên khi khởi nghiệp, ông trồng lúa song hiệu quả không cao do tình trạng “được mùa, mất giá” lặp đi lặp lại vào lúc mùa vụ thu hoạch cao điểm. 

Do đó, ông chuyển sang trồng rau màu mùa nào thức nấy. Kinh tế có cải thiện hơn trước nhưng thật khó làm giàu bởi có lúc mất mùa do thiên tai, thời tiết bất lợi, khi lại mất giá do nguồn cung vượt cầu... Ông quyết định chuyển sang trồng bưởi da xanh, loại cây ăn quả đặc sản có lợi thế cạnh tranh của địa phương nhằm mở ra hướng đi lên bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Đào, sở dĩ ông chọn chuyển đổi từ trồng màu sang trồng bưởi da xanh chuyên canh bởi nhu cầu bưởi da xanh trên thị trường rất lớn, đầu ra thuận lợi và giá ổn định ở mức cao. Ngoài ra, bưởi da xanh còn phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đất đai và trình độ canh tác của nông dân địa phương.

Tuy vậy, con đường xây dựng vườn bưởi chuyên canh trên đất thuần nông của ông không suôn sẻ, trong đó trở ngại đầu tiên là thiếu vốn. Để tháo gỡ, ban đầu ông qui hoạch lại đất đai, đắp mô theo qui trình kỹ thuật đã học được. Về cây giống, ông đầu tư theo khả năng vốn của mình, mua vài chục cây giống nhưng chọn giống tốt, sạch bệnh. Sau đó, ông tự học thêm kỹ thuật chiết cành những cây trồng đầu tiên và nhân ra cả khu vườn 1 ha. Cách làm này đã giúp ông giải quyết khó khăn về vốn đầu tư cây con giống. Bưởi da xanh trồng và chăm sóc tốt, chỉ sau 3 - 4 năm cho thu hoạch với năng suất bình quân 10 tấn/ha. Những năm về sau, cây trưởng thành năng suất càng cao.

Bưởi da xanh thường bị nhiều loại sâu bệnh tấn công, trong đó nan giải nhất là bệnh vàng lá thối rễ, vàng lá Greening... Để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh, kéo dài tuổi thọ vườn cây, đạt năng suất và sản lượng cao, điều quan trọng là có chế độ chăm sóc, tưới nước, bón phân và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, đúng cách và đúng liều lượng; trong đó, chú ý sử dụng nhiều phân chuồng và phân hữu cơ. Đây là cách làm hữu hiệu mà ông thực hiện nhiều năm nay. Vườn bưởi đã gần 20 năm tuổi của ông Nguyễn Văn Đào vẫn phát triển xanh tốt và cho trái năng suất cao.

Bưởi da xanh cho trái gần như quanh năm. Cây ra đọt là ra hoa, kết quả. Để cây không suy kiệt, ông thường xuyên theo dõi mật độ đậu trái, tỉa thưa, chỉ chừa những trái tốt, dáng đẹp với mật độ vừa phải. Như vậy, khi thu hoạch sẽ đạt loại 1 và loại 2 giá trị kinh tế cao. Hầu như không có trái loại 3 hoặc hàng xô không tiêu thụ được. Để ngăn chặn mầm bệnh lưu tồn và lây lan, cành nhánh và trái nhỏ sau khi tỉa thưa, ông đào hố chôn lấp ở những vị trí thích hợp trong khu vườn nhà.

Tận dụng tiềm năng đất đai và lao động trong gia đình, ông còn làm chuồng trại chăn nuôi dê. Chuồng nhà ông lúc nào cũng duy trì tổng đàn dê khoảng 40 con. Để giải quyết nguồn thức ăn tại chỗ, giảm chi phí, tăng hiệu quả sinh lợi, ông tận dụng đất ven bờ ao mương, ven lộ giao thông trồng cỏ chăn nuôi. Hiện nay, giá dê thịt hơi thương lái thu mua tại chỗ trên 100.000 đồng/kg, còn dê giống dao động từ 2 - 3 triệu đồng/con. Bưởi da xanh luôn duy trì giá ở mức cao, bình quân từ 40.000 - 60.000 đồng/kg. Thời điểm Tết Nguyên đán có lúc lên 70.000 đồng/kg. Với mô hình trồng cây đặc sản kết hợp chăn nuôi dê, trung bình mỗi năm, gia đình ông Nguyễn Văn Đào thu khoảng nửa tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi 300 triệu đồng/năm.

Ông Đào cho biết, từ khi chuyển đổi cây trồng sang bưởi da xanh đặc sản kết hợp chăn nuôi dê, thu nhập tăng gấp 3 - 4 lần trước đây. Nhờ vậy, ông đã xây được nhà cửa khang trang, con cái học thành tài.

Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, ông rất có trách nhiệm đối với xây dựng nông thôn mới tại địa phương, trợ giúp hộ nghèo khó, neo đơn cơ nhỡ. Thời gian qua, hưởng ứng chủ trương vận động mọi tầng lớp nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Đào đã hiến khoảng 600 m đất, trị giá trên 300 triệu đồng để làm đường nông thôn. Ngoài ra, hàng năm ông ủng hộ từ 3 - 5 triệu đồng giúp đỡ hộ nghèo, neo đơn, giúp đỡ học sinh vượt khó đến trường...


Bài và ảnh: Minh Trí
Lục Ngạn - xứ sở mới của cây đặc sản có múi
Lục Ngạn - xứ sở mới của cây đặc sản có múi

Người làm nông nghiệp thường truyền nhau kinh nghiệm, những loại cây ăn đặc sản như cam đường canh, bưởi diễn, cam vinh, bưởi da xanh… chỉ phát triển phù hợp ở từng vùng đất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN