Cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 được tổ chức với mong muốn tìm kiếm, nuôi dưỡng và hỗ trợ những dự án khởi nghiệp tiềm năng, đổi mới sáng tạo, có ứng dụng công nghệ. Qua đó, thúc đẩy gia tăng số lượng doanh nghiệp chất lượng, góp phần tăng trưởng kinh tế từng địa phương nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
Năm 2022, cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long nhận được tổng cộng gần 300 hồ sơ của hơn 900 thí sinh từ 9 tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các lĩnh vực tham gia cuộc thi gồm: nông nghiệp, biến đổi khí hậu, chế biến thực phẩm, công nghệ ứng dụng, giải pháp kinh doanh – thương mại – dịch vụ, du lịch, sản xuất công nghiệp, y tế - chăm sóc sức khỏe và giáo dục; trong đó, nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất với 45% (133 hồ sơ); giải pháp kinh doanh, thương mại – dịch vụ có 83 hồ sơ (chiếm 28%) và chế biến thực phẩm có 31 hồ sơ (chiếm 10%), các lĩnh vực còn lại chiếm 17%. Tính theo địa bàn, số lượng hồ sơ chủ yếu đến từ ba tỉnh Cà Mau, Vĩnh Long và Bến Tre với số lượng lần lượt là 77 hồ sơ (chiếm 5.9%), 57 hồ sơ (chiếm 19% và 55 hồ sơ (chiếm 18.5%).
Trải qua 3 vòng thi, có 10 dự án xuất sắc vào vòng chung kết gồm: phát triển nghề đan móc và thêu các sản phẩm từ len, sợi; trồng và sản xuất Trà Kim Ngân Hoa: Bảo vệ môi trường nâng cao giá trị dược liệu Việt; giải pháp khử trùng bền vững - ứng dụng công nghệ điện hóa; chuối sấy năng lượng mặt trời kết hợp du lịch trải nghiệm; nghiên cứu và sản xuất thành công phân hữu cơ giải độc phèn mặn thích ứng biến đổi khí hậu; nâng tầm giá trị con Cua Cà Mau; phát triển sản phẩm Lạp xưởng Cá Lóc; dưa lưới an toàn trồng thủy canh trong nhà lưới; bảo tồn và nâng cao giá trị trái lekima; sen hồng tea – trà hoa giải độc giảm lo âu, cải thiện giấc ngủ.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp tại Cần Thơ, năm nay, với mục tiêu “Giám khảo là nhà đầu tư”, cũng như tạo môi trường “thi quốc tế” cho các thí sinh, bên cạnh các giám khảo là các chuyên gia có học vị, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tế, thì các giám khảo đến từ các Quỹ đầu tư quốc tế, doanh nhân thành công là điểm nổi bật của Hội đồng giám khảo năm nay.
Cuộc thi năm nay hướng đến mục tiêu lựa chọn những dự án xuất sắc nhất, khả thi nhất trao giải thưởng. Các dự án, ý tưởng sẽ được Ban tổ chức tạo điều kiện trao đổi và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia, cá nhân, nhóm khởi nghiệp khác.
Những thí sinh tham gia cuộc thi sẽ nhìn nhận được những khó khăn, lợi thế trong quá trình xây dựng và hoàn thiện dự án để kịp thời điều chỉnh dự án cho phù hợp thực tế. Điểm mới của cuộc thi năm nay là các dự án khởi nghiệp sẽ được tiếp cận với các nhà đầu tư, các vườn ươm doanh nghiệp thông qua buổi gặp gỡ các quỹ đầu tư.
Cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long là một hoạt động có ý nghĩa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của giới trẻ, góp phần vào sự hình thành phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Sau 7 năm tổ chức, cuộc thi khởi nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long đã quy tụ hơn 1.500 hồ sơ, với gần 5.000 người tham gia; trong đó, hàng trăm dự án đã được trao thưởng, được tư vấn, kết nối giao thương, đầu tư vốn, hiện đều phát triển và nhiều dự án, sản phẩm đã được đầu tư, phát triển trên thị trường.