Thực hiện hiệu quả công tác thu tiền ủy thác dịch vụ môi trường rừng

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Lai Châu được thành lập từ năm 2009. Từ khi đi vào hoạt động, Quỹ đã tập trung triển khai thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/9/2010 cũng như tiếp nhận và giải ngân tiền trồng rừng thay thế theo Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Người dân vùng cao Lai Châu phát dọn thượng bì ngăn ngừa cháy rừng.

Việc đàm phán với các cơ sở, nhà máy thủy điện trên địa bàn để thu tiền ủy thác để chi trả dịch vụ môi trường rừng đã được Quỹ thực hiện tốt, góp phần nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, đặc biệt là nâng cao đời sống cho nhân dân có rừng.

Đối với các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng có lưu vực liên tỉnh như Nhà máy thủy điện Hòa Bình; thủy điện Sơn La; Công ty Cổ phần nước sạch Vinaconex. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã phối hợp với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam đàm phán, ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng; xác định phần chuyển trả của tỉnh Lai Châu và triển khai tiếp nhận tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng của các cơ sở sử dụng dịch vụ môi trường rừng đảm bảo đúng quy định.

Với các nhà máy thủy điện sử dụng dịch vụ môi trường rừng có lưu vực trong tỉnh, hàng năm, Quỹ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, kê khai, đàm phán và tiến hành ký kết hợp đồng ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng với các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động đảm bảo đúng quy định. Đến nay, Quỹ đã ký kết hợp đồng với 6 nhà máy thủy điện trong tỉnh là: Chu Va 12, Nậm Lụng, Nậm Cát, Nậm Mở 3, Bản Chát và Nậm Na 2.

Ông Đặng Việt Thắng, Giám đốc Công ty thủy điện Huội Quảng - Bản Chát, huyện Than Uyên, Lai Châu cho biết, Công ty thủy điện Huội Quảng - Bản Chát có một nhà máy là Nhà máy thủy điện Bản Chát nằm trên lưu vực tỉnh quản lý và một nhà máy thủy điện nằm trên lưu vực liên tỉnh.  

Công ty đã chủ động phối hợp với Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu và Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam ký kết hợp đồng để chuyển tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng kịp thời và đầy đủ. Đến nay công ty đã nộp hơn 60 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Căn cứ hợp đồng đã ký, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các nhà máy thủy điện chuyển trả tiền ủy thác. Đặc biệt năm 2013, UBND tỉnh Lai Châu đã tổ chức cuộc họp yêu cầu các nhà máy nghiêm túc thực hiện và có biện pháp xử lý kiên quyết nếu vẫn cố tình chây ì.

Đến nay các nhà máy thủy điện đã kê khai và nộp tiền đầy đủ, qua đó góp phần đảm bảo nguồn thu dịch vụ môi trường rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh. Giai đoạn năm 2012 - 2015, Quỹ đã thu được trên 712 tỷ đồng; trong đó thu từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam là hơn 658 tỷ đồng; thu từ các cơ sở thủy điện trong tỉnh là trên 49 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Giám đốc quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu cho biết: Về công tác chi trả, giai đoạn năm 2012 - 2015, Quỹ tiến hành chi trả 676 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã triển khai hỗ trợ 13 chương trình, dự án với tổng kinh phí hỗ trợ trên 16 tỷ đồng từ chi phí quản lý nguồn dịch vụ môi trường rừng để Hỗ trợ cây giống trồng rừng với diện tích trồng mới 200,9 ha; hỗ trợ xây dựng 13 chốt gác bảo vệ rừng; các chốt đã được bàn giao đưa vào sử dụng; hỗ trợ xây dựng 3 Trạm quản lý bảo vệ rừng...


Từ kinh phí thu được qua ủy thác dịch vụ môi trường rừng và trồng rừng thay thế, năm 2015, tỉnh Lai Châu đã đã phê duyệt 8 dự án trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích trồng trên 1.790 ha với chủ yếu là các loài cây Lát hoa, Giổi, Sấu, Xoan đào, Sơn tra, Quế…, với tổng mức đầu tư trên 38 tỷ đồng.

Năm 2016, tỉnh Lai Châu tiếp tục phê duyệt 14 dự án từ nguồn trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh với tổng diện tích trồng 4.209 ha với tổng mức đầu tư trên 83 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Bá Việt, Phó Giám đốc quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Lai Châu cho biết, tiền dịch vụ môi trường rừng ở Lai Châu được chi trả đến từng chủ rừng, hộ gia đình, cá nhân tham gia nhận khoán đã làm thay đổi suy nghĩ về cách thức bảo vệ và phát triển rừng.

Chính vì thế, số vụ cháy rừng và diện tích rừng bị thiệt hại do cháy trên địa bàn tỉnh đã giảm rõ rệt qua từng năm; các vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy đã giảm đáng kể; công tác tuần tra bảo vệ được thực hiện thường xuyên, liên tục thông qua Tổ chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng thôn, bản... qua đó đã góp phần tăng độ che phủ, tăng khả năng phòng hộ của rừng, điều hòa khí hậu, cung cấp, điều tiết nguồn nước cho các nhà máy thủy điện và sinh hoạt người dân; tạo nguồn thu lớn cho người dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu.

Tin, ảnh: Quang Duy (TTXVN)
Phát huy hiệu quả tổ bảo vệ rừng thôn bản
Phát huy hiệu quả tổ bảo vệ rừng thôn bản

Thời gian qua, tại nhiều thôn bản trên địa bàn tỉnh Lai Châu, các tổ xung kích chuyên trách bảo vệ và phát triển rừng ở thôn bản đã góp phần phát huy tinh thần chủ động trong công tác tuần tra, kiểm soát và bảo vệ rừng ở địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN