Theo kế hoạch, trong năm 2020, Công ty Điện lực Kon Tum sẽ triển khai chương trình “Thắp sáng đường quê” - được triển khai từ năm 2016, lắp đặt hệ thống đường điện chiếu sáng tại một số địa bàn vùng sâu vùng xa của tỉnh. Đó là tại thôn Tam Rin, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông; thôn Tê Rông, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô; làng Đăk Tum, xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei và thôn Hòa Bình, huyện Ngọc Hồi. Tổng chiều dài thực hiện là 4,1 km đường dây, với 104 bộ bóng đèn điện chiếu sáng, kinh phí trên 130 triệu đồng. Các khu vực được lựa chọn để thực hiện chương trình đều ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Những ngày này, người dân thôn Tam Rin, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông rất vui mừng và phấn khởi, bởi từ nay, tuyến đường chính của thôn đã được chiếu sáng. Toàn thôn có 109 hộ là người dân tộc thiểu số Xơ Đăng, đời sống gặp nhiều khó khăn bởi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp. Được sự hỗ trợ từ chương trình “Thắp sáng đường quê”, thôn đã có đèn chiếu sáng gần 1,8 km trên hai tuyến đường chính. Nhờ đó, bộ mặt của thôn đã được khởi sắc.
Ông A Pheo, Thôn trưởng thôn Tam Rin, xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông vui vẻ nói: “Người dân thấy có điện về chiếu sáng đường đi như thế này là rất mừng. Trước đây, khi đi ra ngoài đường, chúng tôi phải mang theo đèn pin. Bây giờ có đèn chiếu sáng người dân đi lại thuận tiện, không lo bị vấp ngã nữa. Có điện nhân dân cũng mở được ti vi xem thời sự, tin tức trong nước và quốc tế”.
Theo ông Đinh Văn Toàn, Trưởng phòng kinh doanh Điện lực Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, xã Ngọc Yêu là xã đặc biệt khó khăn; trong đó có thôn Tam Rin. Chính vì vậy, đơn vị đã ưu tiên lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng theo chương trình “Thắp sáng đường quê” để người dân nơi đây có điện chiếu sáng, phục vụ sinh hoạt. Để thực hiện việc lắp đặt, Điện lực Tu Mơ Rông đã phối hợp cùng chính quyền địa phương khảo sát các vị trí kéo điện và đặt bóng để thuận tiện và an toàn cho nhân dân.
“Khó khăn nhất là công đoạn kéo dây, bởi nơi đây có địa hình phức tạp, nhiều cây cối. Tuy nhiên, được sự hưởng ứng, hỗ trợ nhiệt tình của nhân dân, nên công việc diễn ra thuận lợi. Người dân ở đây rất nghèo, nhiều gia đình không có điện. Bây giờ có điện chiếu sáng đường như thế này, họ phấn khởi, tổ chức các chương trình sinh hoạt văn nghệ buổi tối rất vui”, ông Đinh Văn Toàn cho biết thêm.
Còn tại thôn Tê Rông, xã Văn Lem, huyện Đăk Tô, 171 hộ với trên 730 nhân khẩu, đa số là người Xơ Đăng cùng nhau sinh sống qua nhiều thế hệ. Kinh tế phụ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp nên đời sống còn nhiều khó khăn. Vừa qua, Công ty Điện lực Kon Tum đã tiến hành lắp 24 tụ bóng đèn chiếu sáng cho hơn 1 km tuyến đường chính của thôn, giúp nơi đây có được ánh sáng, thuận tiện đi lại.
Ông A Minh, Thôn trưởng thôn Tê Rông chia sẻ, trước đây khi chưa có điện đường chiếu sáng, người dân trong thôn gặp nhiều khó khăn, nhất là đi lại vào ban đêm, cũng như bảo đảm an ninh trật tự, xảy ra một số vụ mất trộm. Tuy nhiên, có chương trình “Thắp sáng đường quê”, người dân rất phấn khởi, từ sáng sớm đã cùng với các đơn vị điện lực tham gia đào hố, trồng trụ điện. Từ nay, an ninh trật tự của thôn được đảm bảo, ai có công việc đi ban đêm cũng an toàn hơn.
Theo thống kê của Công ty Điện lực Kon Tum, từ khi được triển khai từ năm 2016 đến nay, chương trình “Thắp sáng đường quê” đã thực hiện trên 20 km đường làng, ngõ xóm ở các thôn, làng vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Với tổng kinh phí trên 600 triệu đồng, đã có 25 thôn, làng của tỉnh Kon Tum được thụ hưởng chương trình này.
Ông Đỗ Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Kon Tum cho biết, sau khi đơn vị thực hiện, thi công xong các công trình “Thắp sáng đường quê” sẽ tiến hành bàn giao lại cho chính quyền, người dân địa phương quản lý, sử dụng; qua đó, góp phần chiếu sáng nhiều tuyến đường, làm thay đổi cuộc sống ở những vùng nông thôn, những thôn làng còn nhiều khó khăn. Các công trình này còn đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự cho người dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế, sinh hoạt thuận lợi, mối quan hệ tình làng nghĩa xóm ngày càng thắt chặt hơn.
“Chương trình đã diễn ra liên tiếp trong 5 năm và nằm trong kế hoạch hàng năm của đơn vị. Chúng tôi sẽ tiếp tục có danh mục, khu vực để lựa chọn thực hiện “Thắp sáng đường quê” trong những năm tiếp theo. Mục tiêu là sẽ đưa ánh sáng về tại các thôn, làng còn nhiều khó khăn, để người dân có ánh sáng phục vụ hoạt động sinh hoạt chung, nâng cao đời sống tinh thần, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, chung tay cùng với người dân và chính quyền địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới”, ông Đỗ Văn Giáp nhấn mạnh.