Thành phố Trà Vinh có tổng diện tích tự nhiên gần 68 km2, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần 54% diện tích. Thành phố có xã Long Đức và 9 phường, tổng dân số 112.738 người. Những năm qua, kinh tế thành phố đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và bền vững. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp, thương mại dịch vụ. Tổng giá trị sản xuất của thành phố năm 2020 đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với năm 2010; thu nhập bình quân đầu người hơn 61 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 40 triệu đồng người/năm so với năm 2010.
Bà Nguyễn Thị Trúc Ly, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố đã huy động tổng nguồn lực gần 1.500 tỷ đồng để hoàn thành các tiêu chí; trong đó chú trọng đầu tư, hỗ trợ người dân xã Long Đức phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Thành phố tập trung các giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu, cây ăn trái…
Kết quả, người dân trên địa bàn đã chuyển đổi 420 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp từ 81 triệu đồng/ha năm 2010 tăng lên 153 triệu đồng/ha năm 2020. Cùng với đó, xã có Khu công nghiệp Long Đức, thu hút 32 dự án với tổng vốn đăng kí đầu tư hơn 3.143 tỷ đồng, giúp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã Long Đức cuối năm 2020 đạt hơn 60 triệu đồng/người/năm, chỉ còn 37 hộ nghèo, giảm 324 hộ so với trước khi tiến hành xây dựng nông thôn mới.
Năm 2019, xã Long Đức được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của tỉnh. Đây là cơ sở để thành phố Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ công nhân hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát biểu tại lễ công bố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn đề nghị thành phố Trà Vinh tiếp tục hỗ trợ người dân nông thôn nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách chung vào điều kiện cụ thể của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo, huy động, bố trí hiệu quả các nguồn lực, từ đó hoàn thiện các tiêu chí kiểu mẫu chưa đạt và xây dựng thành công xã Long Đức đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Bên cạnh đó, xã tập trung tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác, liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, gắn chặt sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giá trị gia tăng trên sản phẩm; đồng thời thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương như dừa, hoa kiểng, gà... Địa phương cũng tăng cường kêu gọi đầu tư xã hội hóa trong thực hiện các dự án phát triển du lịch như: Khu nghỉ dưỡng tại Ao Bà Om, cù lao Long Trị, hay xóm bờ kênh văn hóa nông thôn mới...
Tỉnh Trà Vinh hiện có 69/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5/9 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Dịp này, 10 tập thể và 20 cá nhân đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh tặng Bằng khen; 15 tập thể và 30 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Trà Vinh vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.