Nhiều người dân đã chạy ngược xuôi vay mượn, thế chấp tài sản, vay tiền để khoan giếng tìm nguồn nước cứu vườn cây nhưng vẫn không có nước... Trong bối cảnh này, việc hướng đến sản xuất nông nghiệp tiết kiệm nước là rất cấp bách.
Giếng sâu 80 m vẫn trơ đáy
Đăk Nông là một trong những tỉnh ở Tây Nguyên đang chịu thiệt hại nặng nề về vì hạn hán. Những ngày đầu năm mới 2016, thay vì đi du xuân, tham gia vào các lễ hội buôn làng thì hàng trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) như “ngồi trên đống lửa”. Buôn EaPô có 87 hộ, nhưng chỉ trong 3 tháng đầu mùa khô hạn, đã có đến 20 hộ khoan giếng và số lượng giếng khoan sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Người dân xã Tâm Thắng (huyện Cư Jút) khoan giếng ngày càng sâu với hy vọng có nước. |
Chuẩn bị dụng cụ để khoan giếng. |
Anh Y Minh H’Đơk, Trưởng buôn EaPô cho biết: “Để kịp thời cứu vườn càhê gần 1ha, tôi phải đi vay ngân hàng gần 20 triệu đồng để khoan giếng. Giếng khoan sâu 100m, tốn gần 30 triệu đồng, nhưng nước cũng chỉ đủ dùng cho sinh hoạt. Hiện tại, vườn cà phê của tôi phần lớn bị khô cành, một số cây chết rồi, mong nhà nước quan tâm sớm tìm giải pháp giúp nhân dân cứu lấy vườn cây”.
Nhìn vườn cà phê đang héo rũ, cành chết khô, chị H’Thương, buôn Trum buồn rầu cho biết: “Mùa khô hạn năm trước tôi đã bỏ ra hơn 20 triệu đồng khoan giếng, nhưng năm nay do mực nước ngầm tụt sâu nên giếng bị cạn khô, đành phải vay tiền khoan tiếp giếng thứ hai, với hy vọng tìm được nguồn nước để sinh hoạt và tưới cho vườn cà phê gần 1,5ha. Tuy nhiên, giếng đã khoan được năm ngày, sâu gần 80m nhưng nước vẫn chưa có. Ở đây, nhiều hộ khoan vài giếng nhưng vẫn không có nước, tiền mất tật mang mà đành phải trông cả vào ông trời”.
Vườn cà phê khô héo vì thiếu nước. |
Ở bốn buôn của xã Tâm Thắng có bốn dàn khoan đang hoạt động hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu của người dân. Anh Phạm Văn Khuyến, chủ dàn khoan thôn 2, xã Tâm Thắng cho biết: “Cùng thời điểm này năm trước, tôi chỉ khoan vài giếng, năm nay đã khoan được 20 giếng. Có rất nhiều bà con đang tiếp tục ký hợp đồng nhưng tôi chưa nhận lời vì khoan không kịp. Mặt khác, cũng phải chọn khu vực để khoan, vì có nơi khoan hai ba giếng mà không có nước, tôi không nỡ lấy tiền “oan” của bà con”.
Theo báo cáo của tỉnh Đắk Nông, đến thời điểm này, đã có hơn 817 ha các loại cây trồng (chủ yếu là các loại cây công nghiệp dài ngày như cà phê, tiêu, ca cao…) của tỉnh bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Hạn hán đang hoành hành ở các huyện phía Bắc của tỉnh như: Đắk Song, Đắk Mil, Krông Nô, Cư Jút.
Đến nay, có 135/159 hồ chứa do Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý xuống dưới mực nước dâng bình thường; trong đó, hàng chục hồ đã cạn trơ đáy hoặc nằm dưới mực nước chết. Dự báo đến giữa tháng 4, nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài sẽ có thêm gần 60 hồ đập cạn nước và diện tích cây trồng bị hạn hán tăng lên trên 8.000 ha, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Hỗ trợ vốn tưới tiết kiệm
Theo quy hoạch, diện tích cà phê cả nước đến năm 2015 là 500.000 ha. Tuy nhiên, hiện nay riêng 5 tỉnh Tây Nguyên đã gieo trồng 550.000 ha, vượt diện tích quy hoạch của cả nước 50.000 ha. Bên cạnh đó, phần lớn công trình thủy lợi đã xây dựng ở Tây Nguyên là công trình vừa và nhỏ, việc kiên cố hóa kênh mương trên toàn vùng chỉ đạt khoảng 25%.
Để chống hạn, Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, Hoàng Trung Thơ cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đã trình UBND tỉnh Đắk Nông phương án chống hạn cấp bách, tiến hành nạo vét sâu, mở rộng thêm kênh mương dẫn nước từ sông Sê-rê-pốc vào gần khu vực sản xuất rồi tận dụng máy móc, ống dẫn sẵn có, hỗ trợ nhân dân kinh phí mua dầu, mua thêm ống dẫn để tự bơm tưới, tập trung cứu vườn cây một cách nhanh nhất”.
Ngoài ra, “Theo sự chỉ đạo của tỉnh Đắk Nông, chúng tôi đã hoàn tất hồ sơ kỹ thuật, dự toán công trình trạm bơm trung chuyển với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, tuy nhiên đây là công trình đầu tư nằm trong danh mục phải đấu thầu theo quy định nên đang vướng về quy trình thủ tục, dẫn đến chưa thể triển khai ngay được” ông Thơ cho biết thêm.
Hồ Đắk Ken (Huyện Đắk Mil, Đắk Nông) cạn khô nước. |
Hồ Đắk Ken (Huyện Đắk Mil, Đắk Nông) cạn khô nước. |
Còn theo Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông Đỗ Ngọc Duyên, tỉnh cũng khuyến cáo nhân dân không sản xuất ở khu vực thường xuyên thiếu nước, tưới nước tiết kiệm, trồng cây che bóng, điều tiết nước hợp lý …
Để tiết kiệm nước, Viện khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên đang hướng dẫn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk thực hiện tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê theo quy trình của viện, chỉ tưới 401 đến 600 lít nước/gốc/lần tưới, tiết kiệm từ 200 đến 300 lít nước nước/gốc/lần tưới so với các niên vụ trước.
Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, đây không những là mô hình có tính năng ưu việt phù hợp với yêu cầu sinh lý của cây cà phê, tiết kiệm được nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu mà còn giảm được chi phí đầu tư, công lao động, giảm tác hại đến môi trường, tài nguyên nguồn nước…
Ngoài ra, ông Trương Thanh Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, tỉnh cũng quy hoạch lại 3 loại rừng; trong đó, tăng diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng; bảo vệ tốt vốn rừng nhằm tăng độ che phủ rừng để giữ nguồn nước mặt và nước ngầm. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương đầu tư thêm các hồ chứa nước ở các huyện phía Bắc của tỉnh…
Để hỗ trợ các địa phương hướng đến sản xuất tiết kiệm nước, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, Chính phủ đã có chính sách phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp. Trong đó, nếu nông dân áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong hai năm đầu, 50% trong năm thứ ba. Phương pháp này sẽ giúp cây trồng không bị chết khô trong các mùa thiếu nước.
GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng cho rằng, việc khuyến khích người dân sử dụng các phương pháp tưới tiết kiệm, xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hồ đập để trữ nước là rất cần thiết.
Nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết thêm: “Chúng ta có 300 tỷ m3 nước mưa, nhưng hệ thống thủy điện, thủy lợi chỉ chứa được 80 tỷ m3 nước. Do vậy, một số tỉnh Tây Nguyên luôn kêu thiếu nước, vì không có lượng nước trữ. Cần phải học tập Đài Loan (Trung Quốc) là đảo toàn núi đồi nhưng họ đã dùng công nghệ trữ nước dùng 3 ngày mới cho ra biển, nhưng ở Việt Nam mưa vừa xuống đã chảy ra biển luôn. Chúng ta nên có chiến lược đầu tư giữ nước, đặc biệt là giữ nước ngầm”.