Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại Hội nghị.
|
Tham dự Hội nghị có đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng Tây Bắc tham dự.
Báo cáo tại hội nghị, đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội trong vùng phát triển ổn định, đời sống của nhân dân không ngừng cải thiện. Kinh tếtrong vùng phát triển khá, tổng sản phẩm (GRDP) tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.259 tỷ đồng, bằng 48,2% so với kế hoạch năm, tăng 17,8% so với cùng kỳ 2015; tổng chi ngân sách nhà nước 42.192 tỷ đồng, bằng 48,4% dự toán năm, tăng 3,3% so với cùng kỳ.
Đời sống nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc cơ bản ổn định. Công tác xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả. Các chính sách như tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ tiền điện, cấp thẻ bảo hiểm y tế, miễn, giảm học phí cho con em hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số,... được triển khai đồng bộ. Gia đình chính sách, hộ nghèo trong dịp lễ, Tết được thăm hỏi, hỗ trợ, giúp đỡ; nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thiếu đói giáp hạt được cứu trợ kịp thời.
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Các địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quốc phòng, an ninh, nhất là trước, trong và sau dịp Đại hội XII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Tình hình dân tộc, tôn giáo cơ bản ổn định, không có các vụ việc đột xuất, phức tạp xảy ra.
Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định, vùng Tây Bắc vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Đó là tỷ lệ hộ nghèo còn cao; hoạt động của các loại tội phạm chưa giảm, sự chống phá của các thế lực phản động có nhiều diễn biến phức tạp. Việc tuyên truyền đạo trái pháp luật, tình trạng di cư tự do và hoạt động của tội phạm còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Năng lực quản lý, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động quần chúng hiệu quả chưa cao...
Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Cơ quan Thường trực đã chủ động nắm tình hình, phát hiện những vấn đề phát sinh trong vùng và tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương nghiên cứu, đề xuất với Trung ương Đảng, Nhà nước các biện pháp tháo gỡ, giải quyết.
6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục thực hiện và chuẩn bị sơ kết 5 năm việc triển khai Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX), nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miềm núi Bắc Bộ đến năm 2020; Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng và của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020; Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016. Ban Chỉ đạo Tây Bắc tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, lĩnh vực theo hướng phát huy lợi thế của vùng, địa phương; tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, thu hút nguồn lực đầu tư vào địa phương và thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm khác…
Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc, các tỉnh vùng Tây Bắc đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhân tố gây mất ổn định, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc sinh sống. Các tệ nạn xã hội vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm về ma tuý. Các tỉnh vùng Tây Bắc vẫn là tỉnh nghèo và có nhiều khó khăn nhất cả nước.
Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề nghị cần rà soát, bổ sung và hoàn thiện lại Chương trình công tác trọng tâm năm 2016 của Ban Chỉ đạo đảm bảo yêu cầu “Thực tế, thiết thực, hiệu quả”; triển khai tốt các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016. Các địa phương tiếp tục tổ chức triển khai quyết liệt và đồng bộ Kết luận số 26-KL/TW ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01/7/2004 của Bộ Chính trị (khóa IX), nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng trung du và miềm núi Bắc Bộ đến năm 2020; kiểm tra, đôn đốc việc triển khai, thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm rất nặng nề, phức tạp. Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với các bộ, ban, ngành rà soát, tập trung vào các chuyên đề trên cơ sở đó đề xuất các cơ chế chính sách ổn định lâu dài phát triển kinh tế xã hội vùng Tây Bắc, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong vùng cần quan tâm chăm lo đời sống tập trung xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân Tây Bắc; tăng cường các hoạt động đối ngoại, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển; chủ động trao đổi, hội đàm với các địa phương có chung đường biên giới của nước láng giềng trong công tác bảo đảm an ninh biên giới và hội nhập phát triển kinh tế. Các địa phương tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị cơ sở ở vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn.