Sau 30 năm đổi mới, vùng Tây Bắc đã có những bước chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện, bộ mặt nông thôn miền núi ngày càng đổi mới. Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với rất nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành Trung ương; sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong vùng. Trong đó, có đóng góp không nhỏ của các cấp Hội phụ nữ, đặc biệt là vai trò của hàng triệu phụ nữ - những người trực tiếp vun đắp hạnh phúc gia đình, tham gia xây dựng phố phường, làng bản, thôn xóm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Phụ nữ dân tộc Thái, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong (Nghệ An) theo dõi tin tức về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng qua truyền hình. Ảnh:Thanh Tùng-TTXVN |
Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn còn rất nhiều khó khăn, với số huyện nghèo chiếm 70% và tỷ lệ hộ nghèo cao gấp 3 lần so với tỷ lệ bình quân chung cả nước. Điều kiện sản xuất, môi trường đầu tư kinh doanh chưa thuận lợi, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh của nhiều địa phương trong vùng còn ở mức thấp; nguồn lực, nguồn nhân lực chất lượng chưa cao, cuộc chiến chống đói nghèo còn nhiều gian nan vất vả. Đây là những thách thức không nhỏ đối với các địa phương nói chung, đặc biệt là đối với phụ nữ các dân tộc làm doanh nghiệp, làm kinh tế hộ gia đình.
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành Trung ương, sự nỗ lực, cố gắng của các địa phương và nhân dân các dân tộc trong vùng, đời sống kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đã có nhiều khởi sắc. GDP bình quân hàng năm giai đoạn 2011 - 2015 toàn vùng đạt trên 9,4%, GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 27,8 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với 2011; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, vùng chuyên canh tập trung gắn với công nghiệp chế biến. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư và có bước cải thiện. Văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ.
14 tỉnh trong vùng và các tỉnh phụ cận Quảng Ninh, Hà Tĩnh đã phổ cập các chương trình giáo dục từ mầm non, tiểu học đến trung học cơ sở; hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân được hoàn thiện. Nhiều chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, mô hình hiệu quả về kinh tế hộ, kinh tế trang trại, mô hình giảm nghèo bền vững được triển khai, nhân rộng; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ, toàn vùng còn 14,9%, tỉnh Hà Tĩnh còn 5,82%, tỉnh Quảng Ninh còn 1,33%.
Những thành tựu đạt được của vùng Tây Bắc và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Ninh trong thời gian qua, có sự đóng góp không nhỏ của chị em phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ làm kinh tế giỏi. Cùng với phụ nữ cả nước, chị em đã nỗ lực vượt khó, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và địa phương phát động, hoàn thành vai trò, thiên chức quan trọng trong xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái, xây đắp, giữ gìn hạnh phúc gia đình, đồng thời các chị đã dám thử sức mình, cùng chồng con, cộng đồng phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo báo cáo từ các tỉnh trong vùng, hiện nay toàn vùng có 3.700 doanh nhân nữ; 262 hợp tác xã, tổ liên kết, tổ hợp tác do nữ làm chủ. Doanh nghiệp nữ chiếm khoảng 25% số lượng doanh nghiệp khu vực Tây Bắc. Nhiều chị đã thoát khỏi tư tưởng an phận và tâm lí ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, phá bỏ rào cản định kiến về giới, xóa bỏ nhiều hủ tục lạc hậu, để tự giải phóng mình khỏi những ràng buộc lỗi thời, hòa nhập vào sự phát triển của xã hội. Sau mỗi thành quả của các chị là cả một câu chuyện dài về ý chí nỗ lực vươn lên, là tinh thần dám nghĩ, dám làm, là nghị lực vượt qua cuộc sống đói nghèo đeo đẳng để vươn lên làm giàu chính đáng.
Nhằm ghi nhận, biểu dương và tiếp tục động viên phụ nữ các dân tộc vùng Tây Bắc, tích cực, chủ động, tham gia, đóng góp nhiều hơn nữa cho Tây Bắc và các tỉnh phụ cận ngày càng phát triển toàn diện và bền vững; Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức “Hội nghị biểu dương phụ nữ các dân tộc Tây Bắc làm kinh tế giỏi” lần thứ nhất vào ngày 11/6.
Thành tích đạt được của các chị có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển chung của vùng và cả đất nước trong hội nhập và phát triển trên tất cả các lĩnh vực: Nông lâm nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; thương mại, du lịch và dịch vụ; trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng Nông thôn mới”, trong công tác từ thiện, an sinh xã hội và nhiều lĩnh vực khác.
Đây còn là diễn đàn để giúp chị em nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trong hội nhập và phát triển; là dịp để các chị em phụ nữ tiêu biểu vùng Tây Bắc và hai tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và báo công với Bác Hồ tại quê hương Nghệ An giàu truyền thống cách mạng. Qua hội nghị này, các tỉnh trong vùng Tây Bắc sẽ tiếp tục xây dựng và nhân rộng các điển hình, mô hình tiên tiến, cách làm hay, hiệu quả trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp và hướng tới Đại hội toàn quốc Hội LHPN Việt Nam vào năm 2017.
192 đại biểu, đại diện cho các tập thể và cá nhân; trong đó, 160 cá nhân gồm: Dân tộc Mông, Thái, Tày, Mường, Dao, Nùng, Kinh và các dân tộc thiểu số khác làm kinh tế giỏi vùng Tây Bắc và phụ cận, được tôn vinh, bầu chọn từ các cơ sở sẽ có mặt tại hội nghị là những bông hoa tươi thắm nhất trong rừng hoa việc tốt của phụ nữ vùng Tây Bắc và các tỉnh Quảng Ninh, Hà Tĩnh. |