Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Phan Văn Sáu, đại diện Ban Dân tộc các tỉnh, thành trong khu vực Tây Nam bộ.
Theo bà Huỳnh Thị Sô Ma Ly, Vụ trưởng Vụ Địa phương III, Ủy ban Dân tộc, trong thời gian qua, được sự quan tâm của Chính phủ và sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, chính sách dân tộc với đồng bào dân tộc trong vùng được quan tâm đúng mức. Toàn vùng có 34 trường dân tộc nội trú với trên 9.600 học sinh, 3 trường đào tạo đội ngũ trí thức trong tôn giáo là Trường Bổ túc Văn hóa Pali trung cấp Nam bộ tại Sóc Trăng, trường Trung cấp Pali Khmer Trà Vinh và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Cần Thơ. Ủy ban Dân tộc các tỉnh, thành trong khu vực cũng tăng cường thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ nâng cao đời sống đồng bào dân tộc như Chương trình 135 về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã đặc biệt khó khăn; chương trình hỗ trợ chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa dân tộc.
Tại Hội nghị, đại diện Ban Dân tộc các tỉnh, thành khu vực Tây Nam bộ đã chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai ngày càng tốt hơn chính sách dân tộc, đồng thời có những đề xuất, kiến nghị về các vấn đề như cần quan tâm hơn nữa đến vùng đồng bào dân tộc, có cơ chế, chính sách hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ tuyên truyền chính sách pháp luật đến đồng bào góp phần nâng cao mức sống, mức hưởng thụ cả về vật chất lẫn tinh thần, qua đó tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến biểu dương các địa phương trong khu vực Tây Nam bộ đã quan tâm tới đồng bào dân tộc, làm tốt chính sách dân tộc với nhiều hoạt động thúc đẩy an sinh xã hội, nâng dần mức sống người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, hộ khó khăn trên địa bàn. Trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ tiếp tục chỉ đạo Vụ Địa phương III thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm công tác dân tộc trên địa bàn Tây Nam bộ, trong đó, tập trung xây dựng Đề án tiếp nhận nhiệm vụ công tác dân tộc sau khi Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ kết thúc hoạt động.
Ủy ban Dân tộc cũng sẽ tiếp tục thực hiện các Chương trình phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, xây dựng đề án tổng thể chính sách ưu đãi nhằm phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc Khmer; đào tạo bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số vùng đồng bằng sông Cửu Long, quan tâm đến công tác cán bộ trong đồng bào dân tộc; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng đông đồng bào dân tộc và đẩy mạnh tuyên truyền chính sách pháp luật, đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào đời sống của bà con Khmer ngày càng hiệu quả hơn…