Trong những năm qua, ngành quân đội, ngành y tế và các địa phương trong vùng Tây Bắc đã có rất nhiều cố gắng, lấy việc củng cố, xây dựng cơ sở y tế và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bộ đội, các đối tượng chính sách, các gia đình có công với cách mạng ở vùng sâu, vùng xa, an toàn khu, vùng trọng yếu, khu vực biên giới làm nội dung chính trong mọi hoạt động. Đây chính là hoạt động tích cực nhằm cụ thể hóa và đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tế cuộc sống của nhân dân.
Bộ đội Biên phòng khám bệnh cho các cựu chiến binh. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN |
Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc, thời gian qua, các lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Bắc đã tích cực, chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh và các tình huống khẩn cấp. Thực hiện các chương trình mục tiêu y tế quốc gia góp phần quan trọng giúp đồng bào Tây Bắc được tiếp cận và hưởng lợi từ các dịch vụ y tế ngay từ cơ sở, thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần quan trọng vào công tác an sinh xã hội.
Từ đó làm tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, giữ dân, giữ đất, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia và quốc phòng an ninh vùng Tây Bắc. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, điển hình tiên tiến có đóng góp, tâm huyết, hy sinh, đạt thành tích xuất sắc, góp phần làm phong phú, ý nghĩa hơn các phong trào thi đua sôi nổi của ngành quân đội và ngành y tế. Lực lượng quân y các đơn vị quân đội trên địa bàn Tây Bắc đã khám chữa bệnh cho hàng triệu lượt nhân dân trong khu vực; trong đó quân y các đơn vị thuộc quân khu 1, 2, quân y các đồn Biên phòng quân y các đơn vị tuyến sau đã khám bệnh cho gần 100.000 lượt người dân, tổ chức cấp cứu ban đầu cho hơn 40.000 lượt người dân. Tổ chức điều trị cho trên 400.000 lượt bệnh nhân, người dân tại các địa bàn đóng quân.
Các cơ sở y tế địa phương cũng đã khám cho hơn 6.000 lượt, điều trị gần 400 lượt cán bộ chiến sỹ biên phòng tại các trạm y tế xã và bệnh viện huyện biên giới. Các cán bộ chiến sỹ biên phòng bị thương, tai nạn hoặc bị các bệnh cấp cứu, cấp tính đã được các cơ sở y tế nhân dân cứu chữa kịp thời. Tiêu biểu là tháng 10/2013, Phòng khám đa khoa khu vực xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đã kịp thời xử lý cấp cứu, điều trị cho các chiến sỹ biên phòng trong tình trạng nguy kịch do bị thương trong khi làm nhiệm vụ.
Tuy nhiên, bà Hoàng Thị Hạnh cho rằng trong công tác này, các địa phương trong vùng vẫn chưa phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của quân y và dân y; hoạt động kết hợp quân - dân y có nơi chưa tích cực, đồng đều, chưa tạo được mối quan hệ chặt chẽ giữa quân y và dân y. Một số tỉnh chưa có kế hoạch cụ thể, lâu dài cho công tác kết hợp quân - dân y, chưa xây dựng được quy chế phối hợp giữa lực lượng quân y và dân y. Có nơi, có lúc còn có biểu hiện kết hợp quân - dân y theo kiểu “phong trào”... Nhiều nơi, Ban quân - dân y cấp tỉnh, huyện còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Công tác khám chữa bệnh của các phòng khám quân - dân y biên phòng tuy đã có hiệu quả nhưng vẫn còn thiếu tính bền vững. Cá biệt, vẫn còn có nơi chưa thực hiện khám bệnh bằng Bảo hiểm y tế, đồng bào chưa có cơ hội được tiếp cận và hưởng lợi từ các dịch vụ y tế từ cơ sở...
Để không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảm y tế cho quốc phòng, an ninh trong giai đoạn tới, thiết nghĩ Bộ Quốc phòng cần tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ban, ngành có liên quan và các địa phương trong vùng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp kết hợp quân - dân y, góp phần xây dựng các tỉnh, thành phố thành khu vực phòng thủ vững chắc. Trong đó, cần nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Chính phủ xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách với Đảng, nhà nước nhằm không ngừng nâng cao chất lượng công tác kết hợp quân - dân y chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Có cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ y tế ở các xã, cụm xã, các phòng khám quân - dân y Biên phòng thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, trọng yếu trên địa bàn Tây Bắc.