Đại hội đã bầu 38 đồng chí tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XX, bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Mường Tè khóa XX đã bầu Ban Thường vụ với 12 đồng chí; đồng chí Lý Anh Hừ tái cử chức danh Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu tại Đại hội, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Tè đã đạt được trong nhiệm kỳ qua; đồng thời nhấn mạnh, huyện Mường Tè cần tập trung phát triển kinh tế cơ sở, khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện; tăng cường thu hút đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế bền vững, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa, xác định một số loại cây chủ lực của huyện như: sâm Lai Châu, thảo quả, sa nhân tím, trồng rừng sản xuất, kinh tế.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng lưu ý, huyện Mường Tè thực hiện các giải pháp xây dựng Đảng bộ huyện trong sạch, vững mạnh toàn diện, đặc biệt chú trọng phát huy đoàn kết, thống nhất của cấp ủy các cấp, đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng toàn diện, sâu sát, thực hiện hạt nhân chính trị có vai trò nòng cốt trong xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc. Huyện thực hiện tốt nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia. Đảng bộ và nhân dân huyện Mường Tè phải quyết tâm đưa huyện ra khỏi diện kém phát triển của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ huyện Mường Tè thể hiện quyết tâm chính trị cao, tập trung "Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh phát triển nông - lâm nghiệp; giảm nghèo bền vững; nâng cao chất lượng giáo dục; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025, đưa Mường Tè ra khỏi huyện kém phát triển". Huyện Mường Tè phấn đấu hàng năm kết nạp 200 đảng viên; trên 85% tổ chức cơ sở Đảng, 95% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; 100% xã, thị trấn đạt tiêu chuẩn vững mạnh về quốc phòng - an ninh, tuyển quân hàng năm đạt 100% chỉ tiêu.
Huyện tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp hàng hóa; nâng cao chất lượng công tác tham mưu, thực hiện đổi mới lề lối, phong cách làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; tăng cường tuyên truyền, phòng chống di dân ngoài kế hoạch và tuyên truyền đạo trái phép; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ ổn định an ninh biên giới; nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Huyện nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc…
Nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ huyện Mường Tè triển khai thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết đã đề ra; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Huyện quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, củng cố tổ chức Đảng yếu kém và hệ thống chính trị ở cơ sở; trong nhiệm kỳ đã kết nạp 1.086 đảng viên, đạt 121% chỉ tiêu. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng có nhiều đổi mới, đem lại hiệu quả tích cực. Hàng năm, 85% tổ chức Đảng và 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong đó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 15%.
Về kinh tế, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt. Cụ thể, thu nhập bình quân đạt 23,85 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách trên địa bàn bình quân đạt 47,8 tỷ đồng/năm; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 18.500 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 400kg/người/năm. Công nghiệp phát triển theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, trong đó tập trung phát triển thủy điện, khai thác vật liệu xây dựng thông thường. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được quan tâm đầu tư, 100% số xã có đường giao thông đến trung tâm; 95,6% phòng học đạt bán kiên cố trở lên; 14/14 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia; 100% xã, thị trấn với 94% số hộ gia đình được sử dụng điện…
Văn hóa - xã hội có chuyển biến tích cực; chất lượng giáo dục, công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Các chính sách an sinh xã hội được quan tâm giải quyết kịp thời; bản sắc văn hóa các dân tộc được giữ gìn, bảo tồn và phát huy. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 6%/năm, hiện còn 31,4%. Bộ máy chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố, kiện toàn. Chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội đảm bảo…