Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Chiều 6/9, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các sở, ngành, huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tăng cường triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phấn đấu giải ngân 100% vốn năm 2022, chuyển sang năm 2023 và giải ngân 95% kế hoạch vốn trong năm 2023.

Chú thích ảnh
Đường dẫn vào ấp Long Thành, xã Long Trì, huyện Châu Thành, tỉnh Long An được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Ảnh tư liệu: Minh Hưng/TTXVN

Theo đó, các sở, ngành và địa phương rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, ban chỉ đạo cấp huyện; đồng thời tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Các thành viên ban chỉ đạo lồng ghép công tác kiểm tra, giám sát xây dựng nông thôn mới vào chương trình công tác hàng năm và trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện xây dựng nông thôn ở địa bàn được phân công phụ trách.

Đối với vốn đầu tư phát triển, các chủ đầu tư đôn đốc, giải ngân theo khối lượng, không đợi công trình hoàn thành mới nghiệm thu, quyết toán. Về vốn sự nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương viết dự án, thẩm định và triển khai dự án; rà soát, ưu tiên giải ngân hết nguồn vốn kéo dài từ năm 2022 chuyển sang.

Cùng với đó, các chủ đầu tư đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực theo dõi và kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai và giải ngân kế hoạch vốn các chương trình. Ngoài ra, các sở, ngành và UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh tổng hợp các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền của tỉnh để tham mưu, báo cáo UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ những tồn tại, hạn chế.

Hiện nay, Long An còn một số dự án trong Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững chưa thể thực hiện, như: dự án về đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; dự án về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Nguyên nhân là do cần vốn đối ứng của người dân mà đối tượng thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo nên việc đối ứng vốn gặp nhiều khó khăn. Đồng thời, sau khi dự án hoàn thành, cần phải thu hồi vốn theo cơ chế quay vòng.

Đối với dự án về phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng khó khăn chưa giải ngân do tỉnh Long An không có huyện nghèo. Hiện nay, Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính mới ban hành đã bỏ cụm từ “huyện nghèo”. Tuy nhiên, tại điểm a, khoản 4, mục III Quyết định 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn còn quy định đối tượng áp dụng là “cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo”. Do vậy, tỉnh vẫn chưa thể triển khai và hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An đã kiến nghị với Trung ương về vướng mắc này; đồng thời, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang tham mưu văn bản xin ý kiến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An, năm 2023 tỉnh đầu tư khoảng 359,3 tỷ đồng để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, tỉnh đã giải ngân hơn 259 tỷ đồng, đạt 72,1% kế hoạch. Đối với nguồn vốn Trung ương, tổng kế hoạch vốn kéo dài năm 2022 và năm 2023 là 368,6 tỷ đồng; trong đó, vốn đầu tư phát triển là 227,4 tỷ đồng; vốn sự nghiệp là 141,1 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã giải ngân 138,5 tỷ đồng, đạt 37,57% kế hoạch; trong đó, vốn đầu tư phát triển đạt 55,47% kế hoạch; vốn sự nghiệp đạt 8,73% kế hoạch.

Thanh Bình (TTXVN)
Kiểm toán chỉ ra nhiều bất cập của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Kiểm toán chỉ ra nhiều bất cập của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Chiều 7/9, thông tin từ Kiểm toán nhà nước cho biết, qua kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 13 địa phương trên cả nước, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng; đồng thời, yêu cầu các địa phương được kiểm toán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan phải chấn chỉnh nhiều bất cập, thiếu sót nhằm nâng cao hiệu quản quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN