Từ mô hình bền vữngThời gian qua, ở một số tỉnh thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đang nhân rộng mô hình nuôi tôm bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tại vùng ven biển thuộc huyện Đông Hải, nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là mô hình nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến kết hợp và nuôi tôm sinh thái theo mô hình tôm - rừng đã phát huy nhiều hiệu quả. Hiện huyện có trên 550 hộ nông dân tham gia áp dụng mô hình tôm - rừng với diện tích hơn 2.648 ha và tiếp tục được khuyến khích nhân rộng trong năm nay. Trong số này, diện tích nuôi tôm kết hợp với rừng phòng hộ ven biển là 1.200 ha, rừng trồng trên đất nuôi tôm trên 1.450 ha và tập trung chủ yếu ở 3 xã Điền Hải, Long Điền Đông và Long Điền Tây.
Nuôi cá lồng bè ở Châu Đốc, một trong những vùng nguyên liệu chính cho chế biến thủy sản của tỉnh An Giang. Ảnh: Phạm Hậu-TTXVN |
So với nuôi tôm quảng canh, năng suất của mô hình tôm - rừng chỉ đạt từ 700 - 800kg/ha/năm. Do vậy, lợi nhuận bình quân khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha/năm. Tuy năng suất đạt thấp hơn các mô hình nuôi trồng thủy sản khác, nhưng ở mô hình này, người dân sẽ tranh thủ được nhiều nguồn lợi từ biển như cua giống, cá kèo giống và thu được nhiều loại thủy sản có giá trị khác sống dưới tán rừng. Đặc biệt, mô hình tôm - rừng chỉ có 5% bị rủi ro, thua lỗ, còn lại 95% đều sản xuất có lãi. Hiện mô hình này phát triển mạnh ở các xã phía Tây của huyện Đông Hải như An Trạch, Định Thành, Định Thành A...
Trong khi đó, tại các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Bến Tre… mô hình tôm - lúa mang lại nhiều hiệu quả cũng đã được triển khai, không chỉ giúp người dân đảm bảo cuộc sống vì nâng cao chất lượng, giá trị nông sản mà còn bảo vệ môi trường sinh thái. Năm 2015, diện tích sản xuất luân canh 1 vụ tôm - 1 vụ lúa toàn vùng khoảng 160.000 ha, năng suất bình quân đạt 300 - 500 kg/ha. Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, lợi ích của nuôi tôm - lúa là tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích sản xuất; giảm chi phí đối với vụ làm lúa về làm đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tạo sản phẩm lúa và tôm an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, mô hình sản xuất bền vững, thân thiện với môi trường. Vào mùa khô, nước ngoài sông, rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, khi mùa mưa xuống có nước ngọt rửa mặn đồng ruộng để trồng lúa giúp nông dân thu về hai nguồn lợi có giá trị kinh tế là tôm và lúa. Trong hơn 15 năm qua, mô hình này đã góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân nhiều vùng ven biển vùng ĐBSCL.
Đầu tư hệ thống thủy lợi Để những mô hình sản xuất bền vững nói trên tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, theo một số chuyên gia ngành nông nghiệp, cần quy hoạch vùng sản xuất tôm - lúa, vùng nuôi tôm nước lợ tại ĐBSCL. Khẳng định về mặt khoa học đối với vùng lúa - tôm, vùng nuôi tôm quảng canh, các mô hình tôm - rừng, tôm sinh thái, tôm bền vững, tôm siêu thâm canh… nhiều chuyên gia cho rằng, cần quy hoạch cụ thể, cho phép chuyển đổi sang mô hình lúa - tôm trên diện tích lúa đã bị xâm nhập mặn để từ trên cơ sở đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL mạnh dạn triển khai. Song song đó, phải nhanh chóng đầu tư hệ thống thủy lợi phù hợp cho những mô hình này.
Được biết, ngay từ tháng 12/2013, Bộ NN&PTNT đã giao Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam lập dự án “Quy hoạch thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp bền vững vùng ven biển ĐBSCL” theo Quyết định số 877/QĐ-TCTL-QLNN. Theo đó, dựa trên hiện trạng nghiên cứu thực tế và căn cứ vào định hướng phát triển thủy lợi theo Quyết định số 1397/QĐ-Ttg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu - nước biển dâng, Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam đã đề xuất 51 dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản và phát triển nông nghiệp vùng ven biển ĐBSCL.
Thế nhưng để đầu tư cho toàn bộ dự án nói trên thì cần nguồn vốn rất lớn. Theo tính toán vào năm 2014, nguồn vốn này cần tới khoảng hơn 19.000 tỷ đồng, tương đương gần 1 tỷ USD. Do vậy, để giảm tải, không đầu tư dàn trải, việc tiến hành những dự án, công trình ưu tiên đầu tư để sớm phát huy hiệu quả, khắc phục những tồn tại như: ô nhiễm nguồn nước, vấn đề tranh chấp mặn - ngọt… đơn vị này đã chọn ra 14/51 dự án cần được ưu tiên phân bổ nguồn vốn thực hiện từ nay cho đến năm 2020. Những dự án này tập trung ở các tỉnh ven biển như Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang để phục vụ các mô hình sản xuất cá - lúa, tôm - lúa, nuôi thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến vì đây là vùng có mô hình nuôi trồng thủy sản tập trung, có tiềm năng và thế mạnh.
Bên cạnh việc tập trung đầu tư những dự án thủy lợi để phục vụ tốt cho lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, từ thực tế thiệt hại trong đợt hạn, mặn đang diễn ra, cho thấy những công trình này dù có được triển khai vẫn không thể giải quyết triệt để các vấn đề. Các giải pháp phi công trình đóng một vai trò hết sức quan trọng, mang tính quyết định, hay chính là điều kiện đủ để một khi dự án thủy lợi được triển khai sẽ mang lại hiệu quả cao.
Nhiều chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, vùng ĐBSCL cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo và giám sát chất lượng nước trên hệ thống sông, kênh rạch chính vì đây là nguồn cung cấp nước mặn - ngọt phục vụ sản xuất. Đồng thời trước tình hình nguồn nước ngày càng khó khăn về chất lượng, cũng như số lượng, việc có được một hệ thống cơ chế, chính sách đủ mạnh, hợp lý cho từng tiểu vùng, khu vực để có thể gom các diện tích nuôi trồng nhỏ lẻ, phân tán thành một vùng sản xuất lớn. Vấn đề này rất phù hợp với chủ trương xây dựng “cánh đồng lớn”, qua đó công tác quản lý sản xuất, vận hành khai thác hệ thống công trình thủy lợi sẽ dễ dàng hơn.