Tại làng Kon Hia 1, do mưa nhiều, 17 căn nhà xây kiến cố, trong đó nhà có giá trị thấp nhất gần 80 triệu đồng, cao nhất là 460 triệu đã bị đất trên đồi sạt lở xuống, móng nhà bị nứt toác.
Căn nhà cấp 4 mới xây của anh A Tam ở làng Kon Hia, chỉ sau một đêm (17/8/2018), đất từ trên đồi sạt lở xuống làm nền, tường, móng của nhà anh bị nứt toác, đường nứt rộng gần 10cm, khiến căn nhà như bị chia tách thành hai.
“Mình xây nhà này gần 80 triệu đồng nhưng còn nợ nhiều. Nhà mới ở được vài tháng, giờ vì bão lũ, thiên tai nên chẳng còn nơi mà ở. Cả nhà lại kéo đi ở nhờ. Giờ chỗ ăn, chỗ ở không có, còn tâm trạng đâu mà làm, trả nợ”, anh A Tam ở làng Kon Hia 1 than thở.
Đối diện nhà anh A Tam, căn nhà đẹp nhất làng Kon Hia 1 của anh A Long cũng cùng chung số phận. Căn nhà được vợ chồng anh A Long xây dựng hết 460 triệu đồng, nhưng vì lở đất nên cả nhà đã phải dọn đi nơi khác. Hiện móng của căn nhà này bị đứt, gãy, nền nhà bị đội lên, tường nhà nứt nhiều vị trí khác nhau.
“Nhà xây từ tiền tích lũy cả chục năm nên giờ vợ chồng anh chẳng còn gì. Các vết nứt trên đồi chưa có dấu hiệu dừng. Nền, móng nhà mỗi ngày nứt rộng hơn. Không chỉ mất nhà, mình còn mất đất. Mình giờ không có đất mà dựng nhà tạm”, anh A Long chia sẻ.
Những ngày qua, người dân Kon Hia 1 tranh thủ dọn đồ đạc, dựng nhà tạm ở nơi khác. Hiện cả làng như một công trường. Theo anh A Lép, Thôn phó làng Kon Hia 1, chỉ trong một đêm, đất từ trên đồi sạt lở xuống khiến hàng loạt căn nhà trong làng bị nứt. Với tình trạng mưa nhiều như hiện nay, tình trạng sạt lở đất sẽ còn tiếp diễn. Ngay sau khi xuất hiện các vết nứt, người dân đã dọn nhà, di tản đi ở tạm nơi khác.
“Trong số 17 nhà thì số hộ nghèo, cận nghèo chiếm hơn một nửa, số còn lại chỉ vừa thoát nghèo. Người dân lao động, tích lũy nhiều năm mới dám xây nhà kiên cố ở. Có hộ gần nửa cuộc đời mình mới cất được căn nhà, giờ mất trắng, trong khi tiền nợ công, vật liệu, ngân hàng vẫn còn. Hiện tại, người dân Kon Hia 1 rất khó khăn. Nhiều người vừa thoát nghèo, giờ sẽ tái nghèo”, anh A Lép cho biết.
Chứng kiến cảnh mất nhà của dân, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tumơrông thừa nhận nỗi lo tái nghèo đang hiện hữu: “Hiện nay, nỗi lo của bà con và huyện là vấn đề tái nghèo vì thiệt hại của bà con trong vùng sạt lở rất lớn. Hầu hết các hộ nghèo, làm nhà còn vay vốn ngân hàng. UBND huyện sẽ xin giãn nợ tiền dân vay xây nhà”.
Theo ông Vương Văn Mười, Tumơrông là huyện vùng III, còn nhiều khó khăn nên trước mắt, ông đề nghị Trung ương, các nhà hảo tâm hỗ trợ người dân trong vùng sạt lở ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất. Về lâu dài, để tránh tái nghèo, huyện sẽ tập trung các nguồn lực hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi để bà con ổn định sản xuất.