Theo dự kiến, việc di dời dân sẽ hoàn thành vào ngày 17/8. Đến nay, huyện Tumơrông đã di dời được 71 hộ dân của 2 làng Tu Thó và Tumơrông, trạm y tế xã Tumơrông về nơi ở tạm tại các điểm trường trong xã.
Sạt, nứt tràn lan
Mưa lớn, kéo dài nhiều ngày khiến khu vực 2 làng Tu Thó và Tumơrông bị sạt lở, nứt hàng loạt. Tại làng Tu Thó, cả quả đồi sau làng đã nứt, đất tràn vào nhà dân khiến 6 căn nhà bị nứt, sập. Trong đó, nặng nhất là nhà chị Y Giêng bị sập nhà bếp, đổ tường xây, 3 mẹ con chị phải qua nhà hàng xóm trú tạm. Hàng loạt vết nứt khác nhau xuất hiện trong nhà, ngoài sân, khắp làng.
“Vết nứt nhiều, ngày càng lớn nên người dân rất lo lắng. Đến sáng 16/8, lực lượng chức năng đã di dời 43 hộ nhưng với tình trạng mưa nhiều, vết nứt lớn thì có lẽ phải di dời hết cả làng Tu Thó về nơi ở an toàn hơn", anh Trần Công Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Tê Xăng cho biết.
Tại làng Tumơrông, ngày 15 - 16/8, vết nứt tiếp tục xuất hiện khắp nơi. Gần như tất cả nhà của các hộ dân sống quanh trục đường Quốc lộ 40B đều xuất hiện vết nứt lớn, nhỏ khác nhau. Trên đồi, từng mảng đất lớn đã sạt lở, làm sập 2 căn nhà, trưa 16/8 có thêm một căn nhà bị đất sạt tràn vào nhà, làm sập tường phía sau.
Được xã, huyện vận động, hỗ trợ, người dân ngay trong đêm 15/8 đã di dời, mang theo vật dụng có giá trị về ở tạm tại trường học. Anh Nguyễn Văn Dũng, người dân ở làng Tumơrông lo lắng cho biết, anh và cả nhà đã kịp di chuyển đồ đạc có giá trị trong đêm 15/8. Người dân sau di dời cũng tranh thủ về nắm tình hình nhà cũ và nhận thấy các vết nứt chạy khắp nhà với nhiều vết lớn nhỏ khác nhau, cá biệt có nhà xuất hiện nước từ lòng đất trào ngược lên nền nhà thông qua các vết nứt...
Theo anh Lâm Trường Sơn, Bí thư xã Tumơrông, tình trạng đất nứt xuất hiện từ ngày 15/8, kéo dài 1km (từ km 168-169). Vết nứt ngày càng rộng và dài. Nhà dân, trụ sở làm việc của các cơ quan và cả UBND xã bị nứt. Cùng đó là tình trạng sạt lở trên đồi nên người dân rất lo lắng.
Trước thực trạng xuất hiện nhiều vết nứt là tình trạng sạt lở, UBND huyện Tumơrông đã chỉ đạo 2 xã Tê Xăng và Tumơrông di dời dân ngay trong chiều 15/8. Đến chiều 16/8, toàn huyện đã di dời được hơn 71 hộ dân ở khu vực nguy hiểm của 2 làng đến nơi ở mới.
Tuy nhiên, trước diễn biến xấu, khó lường của thời tiết, chiều 16/8, ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tumơrông khẳng định huyện sẽ tiếp tục vận động người dân di dời. Trong đêm 16, sáng 17/8, tất cả 93 hộ còn lại của làng Tu Thó cũng sẽ được di dời đến nơi ở tạm.
Loay hoay tìm chỗ định cư an toàn
Tại làng Tu Thó, người dân được di chuyển lên ở tạm tại trường tiểu học của làng. Một số khác ở nhờ hàng xóm nhưng thực tế những nơi này cũng không an toàn trong bối cảnh sạt nứt tràn lan. Tuy nhiên, hiện xã cũng chưa thể tìm nơi nào an toàn hơn cho dân, nếu đưa về trung tâm xã thì quá xa, đường đi sạt lở rất nhiều. Ô tô cũng không vào được làng, chỉ có thể chạy xe máy, đi bộ.
Làng Tu Thó đã 3 lần phải dời làng vì sạt, nứt... Tại làng Tumơrông, điểm trường đã có 14 hộ dân ở tạm, nhưng cũng chưa thể nói là đảm bảo an toàn. Đầu đường vào trường, cách khoảng 50 mét, dọc Quốc lộ 40B, cả đoạn đường nhựa dài hàng chục mét bị sụt xuống hơn 20cm so với mặt đường cũ. Trường cũng nằm trong vùng sạt lở.
Cô Hồ Thị Thùy Vân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Tumơrông cho biết: Hiện nay, các thầy cô giáo đến trường chuẩn bị để đón học sinh chuẩn bị năm học mới và đón cả phụ huynh. Tất cả phải lo cho sự an toàn của dân, nhưng nếu việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc dạy và học của thầy, trò nhà trường.
Theo khảo sát của chính quyền, người dân ở 2 làng Tu Thó, Tumơrông rất khó tìm được điểm tái định cư ổn định lâu dài. Cả xã, huyện Tumơrông đều được hình thành trên các quả đồi. Toàn huyện không có một mặt bằng nào để định cư, nhất là Tu Thó. Ban đầu xã xác định 2 điểm di dời dân đến định cư ổn định. Một điểm ở cuối làng, gần trường tiểu học làng Tu Thó. Điểm thứ 2 đi qua làng Pu Tá, xã Măng Ri, nhưng hiện nay các điểm trên cũng đều xuất hiện hàng loạt vết nứt, nên xã đang chờ huyện về khảo sát các vị trí khác...
Tại làng Tumơrông, chính quyền huyện cũng đã chọn được một điểm có mặt bằng tương đối bằng phẳng có thể tái định cư, cách xa khu vực đang sạt lở khoảng 200-300 mét. Tuy nhiên, theo một người dân sống ở làng Tumơrông, với thói quen bám mặt đường, địa điểm mới rất khó kinh doanh.
Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tumơrông cho rằng: Về lâu dài, huyện phải nghiên cứu tìm một khu dân cư mới ổn định, gần khu sản xuất. Trước tình hình sạt lở hiện nay, UBND huyện cũng đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành khảo sát toàn bộ quỹ đất trên địa bàn 2 xã Tumơrông và Tê Xăng để tìm nơi ở mới. Về xác định điểm tái định cư mới, làng Tumơrông đã tìm một khu ở mới cho bà con, gần làng cũ và đang di dời. Riêng làng Tu Thó, xã Tê Xăng, hiện nay quanh làng đều bị sạt lở, chưa tìm được mặt bằng ổn định. Huyện sẽ tiếp tục khảo sát, nhưng điểm mới phải gần khu sản xuất để dân sống ổn định, lâu dài.
Được biết, trong lúc đang tìm khu tái định cư mới, tại nơi ở tạm của dân, huyện Tumơrông đã cung cấp các nhu yếu phẩm cho bà con. Theo đó, huyện, xã cấp gạo, cá khô, nhu yếu phẩm khác, đảm bảo người dân không đói, rét và thiếu nước sạch.
Trước đó, như TTXVN đã phản ánh, tình trạng mưa lớn, kéo dài gây sạt lở 30 điểm trên địa bàn huyện Tumơrông. Sạt lở đã làm sập 5 căn nhà, tốc mái 2 căn; hàng loạt nhà dân ở 2 làng Tu Thó và Tumơrông đang nằm trong vùng nguy hiểm vì sạt lở.