Người dân Vĩnh Long vui tươi, phấn khởi đón xuân mới

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đã về trên khắp phố phường tại Vĩnh Long với không khí đón xuân mới đầy vui tươi, phấn khởi.

Chú thích ảnh
Người dân phấn khởi đi chụp ảnh trên con đường gốm và hoa xuân Giáp Thìn năm 2024 tại thành phố Vĩnh Long. 

Bên cạnh việc tổ chức phong phú các hoạt động văn hóa ý nghĩa, tỉnh đã nỗ lực chăm lo an sinh xã hội để mọi người dân có điều kiện đón Tết và có thêm động lực khởi đầu một năm mới tốt đẹp. 

Rực rỡ sắc xuân

Tại thành phố Vĩnh Long, không khí xuân đang tràn ngập khắp mọi nơi. Các con đường được trang trí cờ hoa rực rỡ, nhiều hàng quán và nhà dân chủ động trang trí để chào đón xuân.

Điểm nhấn trong không khí xuân của thành phố Vĩnh Long năm nay chính là con đường gốm và hoa Xuân Giáp Thìn năm 2024. Con đường có chiều dài 700m, rộng hơn 9m đã tái hiện không gian Tết cổ truyền của dân tộc trên nền gốm đỏ. Đường gốm và hoa hoạt động phục vụ nhân dân từ ngày 2 - 19/2 (ngày 23 tháng Chạp đến mùng 10 Tết). Con đường chính thức được đón nhận Bằng xác lập Kỷ lục "Đường gốm đỏ và hoa dài nhất Việt Nam” do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao tặng vào dịp Tết năm nay.

Đường gốm và hoa Xuân Giáp Thìn năm 2024 những ngày qua đã thu hút khách tham quan bởi vẻ đẹp cổ kính của gốm xen lẫn nét hiện đại của hoa. Không gian bố trí đường gốm và hoa bao gồm: Cổng đường gốm với hình ảnh cổng thành Long Hồ xưa; mô hình lò gốm truyền thống; mô hình kênh Thầy Cai huyện Mang Thít với 9 cụm sản phẩm từ gốm bao quanh, bên dưới là những chiếc thuyền hoa với 5 sắc hoa tượng trưng cho ngũ hành tương sinh; tiểu cảnh với Linh vật rồng kết bằng hoa; mô hình Phúc - Lộc - Thọ; mâm ngũ quả ngày Tết; các gian nhà tre tái hiện Tết xưa; hình ảnh Long trụ tại vòng xoay trước Trung tâm hội nghị tỉnh với các tiểu cảnh hoa xung quanh… Mỗi phân đoạn của đường gốm và hoa được bố trí mang thông điệp, ý nghĩa riêng, phản ánh trí tuệ, bản sắc văn hóa của người Việt Nam nói chung và người dân Vĩnh Long nói riêng.

Trên con đường gốm đỏ, không khí mùa xuân ngập tràn với sự hội tụ sắc màu từ gốm, từ hoa và từ những tà áo dài, áo bà ba thướt tha của nhiều du khách hân hoan đón xuân mới. Cùng gia đình đến tham quan con đường gốm, bà Trần Thị Ngọc Khéo (huyện Tam Bình) rất ấn tượng trước vẻ đẹp và sự độc đào của con đường gốm đỏ và hoa Vĩnh Long.

Bà Khéo cho biết: “Đây là lần đầu, Vĩnh Long xây dựng con đường gốm và hoa nhân dịp Tết cho người dân đến tham quan. Giữa lòng đô thị có con đường đẹp và con kênh mát mẻ như thế này thì rất hay. Tới đây tham quan và chụp ảnh thì mọi người rất vui. Năm mới thấy có nhiều khởi sắc mới thì cũng hân hoan, mình cũng mong mọi người sẽ có một năm đầy bình an và vạn sự như ý”.

Nhằm tạo không khí đoàn kết, vui tươi phấn khởi, dịp Tết năm nay, tỉnh Vĩnh Long tổ chức chương trình lễ đón Giao thừa kết hợp bắn pháo hoa tại Quảng trường thành phố Vĩnh Long và hai cụm khác trong tỉnh gồm: Cụm các huyện Long Hồ - huyện Mang Thít - huyện Vũng Liêm (điểm bắn tại huyện Mang Thít), cụm các huyện Trà Ôn - huyện Tam Bình - thị xã Bình Minh - huyện Bình Tân (điểm bắn tại huyện Tam Bình).

Tối 30 Tết, tại Quảng trường thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, người dân phấn khởi rủ nhau đi xem bắn pháo hoa đón Giao thừa. Trong không khí rộn ràng chào mừng xuân mới, người dân được thưởng thức nhiều tiết mục văn nghệ hấp dẫn ca ngợi Đảng và mùa xuân cách mạng, ca ngợi mùa xuân quê hương mang đậm phong cách miền Tây, vừa tận mắt chiêm ngưỡng những màn pháo hoa ấn tượng. Mỗi tràng pháo hoa bắn lên kèm theo tiếng trầm trồ của người lớn cùng tiếng cười phấn khởi của trẻ nhỏ như hòa vào giai điệu rộn ràng của những bản nhạc mùa Xuân đã mang đến một không khí thật sôi động, vui tươi trong thời khắc Giao thừa.

Chăm lo Tết cho người dân

Chú thích ảnh
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Hội doanh nhân cựu chiến binh trao quà tết cho người dân. 

Với truyền thống nghĩa tình, mỗi dịp Tết đến, tỉnh Vĩnh Long đã huy động sự chung tay của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp cùng sẻ chia những món quà để người dân có được một cái Tết trọn vẹn. Qua đó động viên, giúp người nghèo, đối tượng yếu thế có thêm điều kiện đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, phấn khởi.

Bà Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người khuyết tật và bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Long cho biết, đồng hành với những người yếu thế, trong dịp Tết năm nay, Hội đã vận động hơn 21.000 quà để giúp các hộ có điều kiện vui xuân đón Tết. Đặc biệt, năm nay, Hội vận động được 20 phần quà từ hội doanh nhân cựu chiến binh với số tiền hỗ trợ 5 triệu đồng cho mỗi gia đình có người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những phần quà được trao tận nhà với lời động viên chân thành không chỉ tạo niềm vui mà còn là động lực để các hộ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Bà Bùi Thị Bảnh (xã Xuân Hiệp, huyện Trà Ôn) chia sẻ: “Lần đầu tiên nhận được món quà Tết có giá trị lớn như thế này, tôi rất mừng và xúc động trước sự quan tâm của chính quyền và các ngành, các mạnh thường quân. Nhận được món quà này tôi đi mua sắm Tết, các con về Tết thấy rất phấn khởi”.

Đã thành thông lệ, dịp Tết Nguyên đán hàng năm, không khí mùa xuân cũng rộn ràng ở lớp học tình thương của cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga (phường 8, thành phố Vĩnh Long). Lớp học có gần 50 học sinh, đa phần thuộc diện khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Cô Nguyễn Thị Huỳnh Nga chia sẻ, dịp Tết hàng năm, các em học sinh ở lớp học này luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo từ lãnh đạo địa phương, các nhà hảo tâm. Những món quà Tết cùng những lời thăm hỏi ân cần đã tạo niềm tin và động lực để thầy và trò trong lớp học tiếp tục nỗ lực, vượt qua những khó khăn.

Với tinh thần “chung tay chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng khó khăn, đảm bảo mọi người mọi nhà đều được vui Xuân, đón Tết”, tỉnh Vĩnh Long đã chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội nỗ lực chăm lo Tết cho người nghèo, các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn...

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long Trần Thanh Lâm, dịp Tết năm nay, Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã  tổ chức hoạt động hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, phấn đấu tất cả hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn tỉnh đều có một phần quà để vui xuân đón Tết.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết, cuộc sống trong giai đoạn phát triển hiện nay đã có nhiều thay đổi nhưng ngày Tết Nguyên đán vẫn là truyền thống quý giá của dân tộc. Tết là dịp họp mặt, sum vầy của cả gia đình và thể hiện niềm mong ước một năm mới an vui, hạnh phúc và thành công. Với mục tiêu tạo điều kiện để tất cả người dân đều có cái Tết vui tươi, năm nay tỉnh tổ chức đa dạng các hoạt động để nhân dân vui xuân đón Tết đầm ấm, sum vầy. Điểm nhấn của các hoạt động năm nay là con đường gốm và hoa.

Trong không khí rộn ràng của mùa xuân, vương quốc gốm đỏ được tái hiện hoành tráng và công phu mang theo nét đẹp phủ màu thời gian, đan xen với sắc màu tươi thắm của mùa xuân đã góp phần khơi dậy nhiều giá trị và gởi gắm những mong ước tốt lành, trọn vẹn. Đây là dịp để người dân để tham quan trải nghiệm và lưu giữ những khoảnh khắc đẹp trong năm mới. Ngoài ra, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động như liên hoan nghệ thuật đường phố, biểu diễn nhạc nước, chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa đón giao thừa…với mong muốn để mọi người cùng hưởng một mùa xuân vui tươi, an lành, đong đầy hạnh phúc trong năm mới.

Bài và ảnh: Lê Thúy Hằng (TTXVN)
Pháo hoa rực sáng trên bầu trời Thủ đô chào đón Xuân Giáp Thìn 2024
Pháo hoa rực sáng trên bầu trời Thủ đô chào đón Xuân Giáp Thìn 2024

Từ 0 giờ đến 0 giời 15 phút ngày 10/2 (mùng 1 Tết), vào thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới - Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thành phố Hà Nội tổ chức bắn pháo hoa tại 30 quận, huyện, thị xã với 32 trận địa để đón chào Xuân mới, trong đó, có 9 trận địa bắn pháo hoa tầm cao và 23 trận địa bắn tầm thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN