Nâng cao đời sống đồng bào Khmer, góp phần xây dựng nông thôn mới

Tỉnh Trà Vinh có tổng dân số hơn 1 triệu người, trong đó, đồng bào Khmer chiếm gần 32%. Đồng bào Khmer Trà Vinh chủ yếu sống ở vùng nông thôn, với nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp.

Những năm gần đây, cùng với đồng bào Kinh, Hoa, đồng bào Khmer Trà Vinh rất tích cực xây dựng nông thôn mới, chung tay cùng chính quyền cải thiện diện mạo phum sóc, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập nông hộ.

Chú thích ảnh
 Nông dân huyện Trà Cú trồng màu cho thu nhập 40 triệu đồng/ha/năm, tăng 4 lần so với trồng lúa trước đó. Ảnh tư liệu

Phum, sóc ở Trà Vinh hiện nay không còn cảnh mưa sình, gió bụi. Hệ thống giao thông nông thôn các xã được thông thương, đường nối liền đường. Cảnh quan môi trường sáng – xanh – sạch – đẹp, nhiều ngôi nhà mới khang trang. Diện mạo phum, sóc không ngừng được “ thay da đổi thịt”.

Ấp Trà Bôn, xã Châu Điền, huyện Cầu Kè có 409 hộ dân; trong đó, hộ Khmer chiếm 80% hộ. Từ khi những tuyến đường trong ấp được bê-tông hóa, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân rất thuận lợi. Nhờ vậy, hàng nông sản địa phương được thương lái thu mua giá cao hơn trước, nông dân rất phấn khởi.

Ông Sơn Đường, Bí thư Chi bộ ấp Trà Bôn chia sẻ, trước đó, khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới, đồng bào Khmer địa phương đều hưởng ứng, chung sức đồng lòng. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất làm đường, mỗi gia đình tự xây dựng nếp sống văn hóa. Tính từ năm 2015 đến nay, người dân trong ấp đã hiến trên 3,5 ha đất để xây dựng 5 tuyến đường nông thôn; tham gia nạo vét, nâng cấp 12 tuyến kênh nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp; cùng chính quyền vận động các mạnh thường quân hỗ trợ xây dựng 14 cây cầu bê- tông… Nhờ vậy, bộ mặt ấp Trà Bôn được cải thiện đáng kể.

Trà Cú là huyện nghèo vùng sâu của tỉnh Trà Vinh, có trên 62% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Chính vì vậy, nhiều năm qua, các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm xây dựng hạ tầng kỹ thuật để giúp dân nâng cao mức sống. Trong công tác xây dựng nông thôn mới, địa phương chú trọng giải pháp giảm nghèo, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt. Thời gian qua, huyện Trà Cú rất tích cực đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Nhiều mô hình giảm nghèo của huyện đã chứng minh hiệu quả, giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên ổn định cuộc sống.

Điển hình như mô hình chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả để trồng lúa- khoai môn sáp- ngô của Tổ hợp tác sản xuất ấp Giồng Lớn A, xã Đại An, huyện Trà Cú đã giúp nhiều hộ Khmer cải thiện thu nhập, thoát nghèo bền vững. Cây khoai môn sáp sau hơn 4 tháng trồng cho thu hoạch, với năng suất khoảng 20 tấn/ha, nông dân đạt lợi nhuận từ 150-200 triệu đồng.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, đến nay ấp Giồng Lớn A chỉ còn 8 hộ nghèo, giảm gần 200 hộ nghèo so với năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của ấp hiện đạt 48 triệu đồng/người/năm, tăng 30 triệu đồng/người/năm so với 5 năm trước. Thấy được hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân trong ấp chuyển đổi sản xuất và mở rộng diện tích trồng khoai môn sáp lên hơn 40 ha.

Cùng với việc hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện Trà Cú còn hỗ trợ các làng nghề trên địa bàn phát triển sản xuất để tạo việc làm cho người dân. Huyện có 3 làng nghề gồm: Làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc, tầm vông xã Hàm Giang; Làng nghề đan đát xã Đại An và Làng nghề dệt chiếu Cà Hom, xã Hàm Tân. Các làng nghề này đã giải quyết việc làm cho khoảng 3.000 lao động nông thôn, với mức thu nhập bình quân từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, cơ sở sản xuất Trì Cảnh của Làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc, tầm vông có sản phẩm bộ salon tre được Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh công nhận đạt OCOP 4 sao, ngành chức năng đang hỗ trợ cơ sở nâng hạng lên 5 sao. Các sản phẩm nông thôn thu nhỏ của hộ kinh doanh Diệp Thị Trang ờ Làng nghề tiểu thủ công nghiệp Đại An đạt chứng nhận OCOP 3 sao…

Bí thư huyện ủy Trà Cú Dương Văn Triệu cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo, đời sống của người dân địa phương được nâng lên đáng kể, tỉ lệ hộ nghèo được kéo giảm từng năm. Năm 2020, huyện Trà Cú xóa được hơn 700 hộ nghèo. Năm 2021, địa phương đặt mục tiêu  xóa 863  hộ nghèo.

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết, hơn 10 năm Trà Vinh thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tỉnh có 72/85 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó 69 xã đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Toàn tỉnh có 5/9 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn và hoàn thành xây dựng nông thôn mới. Thành quả này, không chỉ có sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các lực lượng xã hội mà có sự chung tay, góp sức lớn của nhân dân; trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát huy kết quả đạt được, tỉnh Trà Vinh đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, khoảng 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 8 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Để thực hiện đạt mục tiêu, tỉnh giao nhiệm vụ cho ngành Nông nghiệp phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân; nhất là các hộ Khmer chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để tăng thu nhập hơn nữa. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt đạt 145 triệu đồng/ha và đất mặt nước nuôi trồng thủy sản đạt 380 triệu đồng/ha, tăng 15 – 20 triệu đồng/ha so với giá trị đất sản xuất nông nghiệp hiện nay.

Trong kế hoạch nâng cao giá trị sản xuất trên cùng đơn vị sản xuất đất nông nghiệp, tỉnh sẽ ưu tiên nguồn lực từ các chính sách của Trung ương dành hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số; nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư hạ tầng kỹ thuật; xây dựng những mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật mới cho thu nhập cao để chuyển giao cho đồng bào Khmer; góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Bài và ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)
Đồng bào Khmer gửi niềm tin vào người ứng cử
Đồng bào Khmer gửi niềm tin vào người ứng cử

Trong không khí phấn khởi của Ngày Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần, tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Vĩnh Long, công tác tuyên truyền, cổ động người dân tích cực tham gia bầu cử đang được đẩy mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN