Long An: Các hoạt động kinh tế, xã hội phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch

Tỉnh Long An đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội gắn với phòng, chống dịch, từng bước đưa cuộc sống sang trạng thái bình thường mới.

Chú thích ảnh
Chốt kiểm tra giáp ranh TP Hồ Chính Minh, tại đường tỉnh 830C, thuộc xã Mỹ Yên (Bến Lức, Long An). Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Dịch COVID-19 đã khiến kinh tế - xã hội của tỉnh Long An ảnh hưởng nặng nề. Tính đến nay toàn tỉnh ghi nhận trên29.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 366 ca tử vong. Do đó, chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch; trong đó có việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh từ ngày 19/7.

Theo đánh giá của UBND tỉnh Long An, đến nay, công tác phòng, chống dịch của tỉnh đã đạt được kết quả rất khả quan, số ca mắc và ca tử vong giảm dần, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đặc biệt, tỷ lệ tiêm vaccine cho người dân đạt tỷ lệ rất cao. Tỉnh đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho người từ 18 tuổi trở lên và đang đẩy nhanh việc tiêm mũi 2. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế, xã hội gắn với phòng, chống dịch, từng bước đưa cuộc sống sang trạng thái bình thường mới.

Trước mắt, tỉnh thực hiện khôi phục sản xuất, kinh doanh. Trong giai đoạn đầu chỉ có một số nhóm doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa thiết yếu và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được phép hoạt động trở lại. Các nhóm doanh nghiệp này cũng phải tuân thủ các quy định rất nghiêm ngặt như chỉ được sử dụng tối đa 50% lao động so với bình thường; lao động phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và phải đang sinh sống trên địa bàn; trong quá trình làm việc phải xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần; doanh nghiệp phải tổ chức phương tiện đưa đón lao động đảm bảo đi từ nơi ở đến nơi làm việc...

Các doanh nghiệp cho rằng việc chính quyền địa phương cho phép sản xuất trở lại là một tín hiệu rất đáng mừng. Tuy nhiên, các điều kiện hiện nay vẫn gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Theo ông Võ Thanh Tú, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân trẻ tỉnh Long An cho biết quy định sản xuất với 50% lao động gây khó cho doanh nghiệp. Có nhiều nhà máy rất rộng, một công nhân vận hành nhiều máy móc trong một khu vực riêng và không tiếp xúc với ai; có trường hợp một người nghỉ ảnh hưởng đến cả dây chuyền sản xuất…Do đó, doanh nghiệp đề nghị chính quyền cho phép chủ động, chỉ cần đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH Avery Dennison RIS Việt Nam, Khu công nghiệp Long Hậu, huyện Cần Giuộc cho biết, doanh nghiệp bình thường hoạt động với 3.000 nhân sự, trong đó khoảng 2.000 người sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, bao gồm 150 người có chuyên môn cao. Do đó, công ty kiến nghị chính quyền tạo điều kiện thuận lợi cho những người này đến Long An làm việc. Như vậy, doanh nghiệp mới bố trí được nhân sự để hoạt động.

Chú thích ảnh
Xe container vận chuyển hàng hóa xuất khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An). Ảnh: Thanh Bình/TTXVN

Theo UBND tỉnh Long An, từ ngày 15/9, tỉnh đã cho phép các doanh nghiệp được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về phòng, chống dịch. Tỉnh đang xây dựng kế hoạch tổng thể để phục hồi kinh tế, xã hội dựa trên mức độ kiểm soát dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, dự kiến tỉnh sẽ chia thành hai giai đoạn phục hồi kinh tế, xã hội. Trong đó giai đoạn đầu từ ngày 20/9 - 31/10 tập trung khắc phục những khó khăn do dịch bệnh; định hướng những nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển kinh tế trong thời gian trước mắt. Giai đoạn 2 từ ngày 1/11 - 31/12, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phục hồi những lĩnh vực còn khống chế trong giai đoạn 1. Dự báo giai đoạn này, Long An cơ bản đáp ứng các điều kiện của trạng thái bình thường mới, tỉnh sẽ mở ra các khung để phát triển kinh tế mạnh hơn.

Ông Nguyễn Văn Út cho biết thêm, kinh tế, xã hội suy giảm rất lớn, bình thường mỗi tháng tỉnh thu ngân sách khoảng 1.600 tỷ nhưng tháng 8 vừa rồi số thu chỉ đạt khoảng 350 tỷ. Do đó, việc phục hồi kinh tế, xã hội là rất cấp bách nhưng phải gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19. UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các đơn vị, địa phương phải đánh giá cụ thể tình hình, mức độ suy giảm kinh tế và phải chứng minh bằng các con số. Trên cơ sở đó cùng với mức độ kiểm soát dịch bệnh để xây dựng kế hoạch tổng thể khôi phục kinh tế, xã hội.

“Long An xác định quan điểm rất rõ ràng, việc khôi phục, phát triển kinh tế đi đôi với công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho người dân. Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế, xã hội đều phải gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19”, ông Nguyễn Văn Út khẳng định.

Một số phương tiện vận tải được phép hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An Đặng Hoàng Tuấn cho biết, chiều 16/9, Sở này có thông báo một số phương tiện vận tải được phép hoạt động trên địa bàn tỉnh trong thời gian giãn cách xã hội, kể từ 00 giờ ngày 17/9.

Theo đó, các loại xe được phép hoạt động như: xe taxi phục vụ người dân đi, đến các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh trong trường hợp cấp thiết (đã được cấp phù hiệu “Xe phục vụ chuyển viện”); xe chở người có vé máy bay đi nước ngoài đến Cảng hàng không quốc tế, để thực hiện chuyến bay theo quy định; xe chở người đi cấp cứu; xe chở người đã hoàn thành cách ly y tế;

Bên cạnh đó, phương tiện đưa, đón người lao động, chuyên gia thuộc các doanh nghiệp cũng được hoạt động trong thời gian này. Trong đó, phương tiện được vận chuyển là xe nội bộ của doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp ký hợp đồng (bằng văn bản) vận chuyển xe đưa đón công nhân với các đơn vị vận tải đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo quy định và được các cơ quan có thẩm quyền cấp phù hiệu vận tải, chịu sự quản lý của Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố; đăng ký lịch trình cụ thể và đảm bảo vận chuyển không quá 50% sức chứa, không quá 20 người/chuyến (bao gồm cả lái xe và nhân viên phục vụ. Phương tiện vận chuyển phải được gắn thiết bị giám sát hành trình đảm bảo truyền dữ liệu về Hệ thống xử lý và khai thác sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Ngoài ra, lái xe, nhân viên phục vụ người lao động, chuyên gia phải được xét nghiệm COVID-19 trước khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển và có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 trong thời hạn 72 giờ (kể từ thời điểm có kết quả xét nghiệm); thường xuyên sát khuẩn tay, đeo khẩu trang trong suốt quá trình đưa đón; chỉ cho người lao động, chuyên gia có tên trong danh sách lên xe, di chuyển đúng tuyến cố định đã cho phép.
         
Đối với doanh nghiệp tổ chức hoạt động vận chuyển công nhân, chuyên gia phải thực hiện theo quy trình 3 bước. Cụ thể, doanh nghiệp gửi văn bản đề nghị hỗ trợ phương tiện vận chuyển đưa, đón người lao động, chuyên gia và phương án phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp về Sở Giao thông Vận tải; Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan lấy ý kiến đối với việc thực hiện vận chuyển người lao động, chuyên gia của doanh nghiệp; Sở Giao thông Vận tải có văn bản thông báo đến doanh nghiệp thực hiện và gửi UBND cấp huyện để theo dõi, giám sát.
         
Riêng đối với các công ty, doanh nghiệp hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn Long An (bao gồm nội tỉnh và liên tỉnh), tiếp tục dừng hoạt động cho đến khi có thông báo mới.

Bùi Giang - Thanh Bình (TTXVN)
Hướng về cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19 - Bài 1: Lấy xã, phường làm điểm tựa
Hướng về cơ sở trong phòng, chống dịch COVID-19 - Bài 1: Lấy xã, phường làm điểm tựa

Ngày 14/9, Văn phòng Chính phủ ra Thông báo 241/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 sáng 11/9/2021.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN