Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra những giải pháp đẩy mạnh phát triển hợp tác xã trong tỉnh thời gian tới. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức nhận định, hiện nay chưa có hợp tác xã nông nghiệp mạnh, nhiều hợp tác xã có nguy cơ giải thể do hoạt động kém hiệu quả. Ngoài ra, người dân chưa thiết tha với mô hình hợp tác xã vì không thấy được lợi ích của mình.
Do đó, hợp tác xã nên đặt lợi ích của thành viên hợp tác xã lên trước, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, thị trường gặp nhiều khó khăn. Điển hình như thời gian qua, dù giá bưởi da xanh xuống thấp, chỉ khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg, trong khi đó Hợp tác xã Bưởi da xanh Lương Quới, Giồng Trôm thu mua với giá 25.000 đồng/kg khiến các thành viên hợp tác xã rất phấn khởi. Nhờ vậy, Hợp tác xã Bưởi da xanh Lương Quới hoạt động ổn định, nhiều nông dân đăng ký tham gia làm thành viên.
Mặt khác, nông sản của các hợp tác xã chỉ dừng lại ở bán thô, bằng giá cả thương lái thu mua nên rất khó cạnh tranh. Để kéo thị trường về phía hợp tác xã, hợp tác xã cần tìm thị trường thông qua ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, tiếp thị sản phẩm; chế biến sản phẩm truyền thống, đặc trưng riêng, không nhất thiết phải làm ra hàng hóa lớn như doanh nghiệp.
Ngoài ra, các hợp tác xã không nên chỉ liên kết doanh nghiệp qua việc trông chờ thu mua nguyên liệu. Hiện nay, hợp tác xã không có nguồn vốn lớn, trong khi doanh nghiệp có tài chính, máy móc, dây chuyền sản xuất hiện đại, hợp tác xã nên chọn liên kết với doanh nghiệp ở một số lĩnh vực có thế mạnh.
Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đất nông nghiệp chiếm 75% diện tích đất tự nhiên. Do đó, Bến Tre được xem là tỉnh nông nghiệp, với thế mạnh kinh tế vườn và kinh tế biển với khoảng 73.000 ha dừa, 29.000 ha cây ăn trái, 47.000 ha nuôi trồng thủy sản, 4.020 tàu khai thác thủy sản.
Tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, trường Cán bộ quản lý nông nghiệp - Phát triển nông thôn II đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bến Tre nên xây dựng đề án tích hợp phát triển nông nghiệp phát triển bền vững gắn với yêu cầu thị trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
Để phát triển hợp tác xã mạnh thì ưu tiên đầu tư các hạng mục phi công trình như: bản đồ nông hóa thổ nhưỡng, chợ đầu mối nông sản, kho mát, kho lạnh phục vụ logistics cho doanh nghiệp... Tỉnh cần nghiên cứu chợ đầu mối thủy sản, cây giống, cây kiểng để sơ chế, chế biến tập trung. Nhà nước xây dựng, hỗ trợ đất đai và các hợp tác xã thay phiên vận hành.
Đơn cử như khu vực Tây Nguyên chuyển dịch cơ cấu cây trồng rất mạnh, cần lượng cây giống lớn trong thời gian tới và những hợp tác nhỏ không đủ năng lực cung cấp số lượng sản phẩm.
Hiện nay, Bến Tre có diện tích dừa lớn nhưng phân bố nhỏ lẻ, chưa có vùng trồng tập trung nên không hợp tác được với doanh nghiệp. Vì vậy, đầu tư các kho lạnh, kho mát để các hợp tác xã gắn được với doanh nghiệp.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi yêu cầu các cấp ủy tập trung quán triệt tầm quan trọng của kinh tế tập thể. Trong quá trình cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp phải đưa phát triển kinh tế tập thể vào kế hoạch chung hàng năm của địa phương. Lấy hiệu quả, đóng góp của kinh tế tập thể, hợp tác xã làm thước đo, mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đồng thời, các địa phương chỉ thành lập hợp tác xã khi thấy cần thiết, đem lại giá trị lợi nhuận cho người dân, không thành lập hợp tác xã theo phong trào, chạy theo thành tích. Những hợp tác xã nào hoạt động không hiệu quả thì kiên quyết xóa sổ. Nếu hợp tác xã chưa đủ điều kiện thì không cho thành lập và chắc chắn hoạt động hiệu quả thì mới thành lập. Không nhất thiết địa phương nào cũng có hợp tác xã mà các địa phương có thể gắn kết giữa các xã với nhau để hợp tác phát triển.
Các địa phương tập trung phát triển các hợp tác xã mạnh gắn với chủ trương phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với nhu cầu thị trường.
Trong thời gian tới, UBND các cấp cần làm tốt công tác quản lý nhà nước về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách và đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã mang tính đột phá, phù hợp với địa phương.
Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bến Tre, tính đến quý I/2021, toàn tỉnh có 162 hợp tác xã và 1.386 tổ hợp tác hoạt động, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.
Nhìn chung, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển về số lượng và chất lượng, khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Một số loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động khá hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, giảm nghèo cho các thành viên và người dân nông thôn...
Tuy nhiên, một số tổ hợp tác hoạt động còn hạn chế, thiếu tính thường xuyên và ổn định, chủ yếu làm theo phong trào, chưa tập trung được nguồn lực của các thành viên. Vì vậy, hiệu quả mang lại chưa cao và có nhiều mô hình để nâng lên thành hợp tác xã.
Hoạt động của hợp tác xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động không hiệu quả khá cao. Đa phần hợp tác xã chưa xây dựng được trụ sở, xưởng sơ, chế biến, nhà kho cũng như chưa được giao đất, cho thuê đất. Một số hợp tác xã đã ngừng hoạt động trong thời gian dài hoặc có tên đăng ký, nhưng không hoạt động, không thực hiện được thủ tục giải thể do còn nợ thuế, ảnh hưởng đến công tác quản lý nhà nước và tâm lý người dân đối với mô hình hợp tác xã.