Thực tế, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa hợp tác xã và doanh nghiệp đã mang lại những kết quả tích cực. Qua thực hiện các hợp đồng liên kết giúp nông dân ngày càng nhận thức rõ hơn về lợi ích của việc sản xuất an toàn, đảm bảo chất lượng cao theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và nhu cầu của thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đồng Tháp, hiện nay, việc phát triển hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị là hết sức cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung. Song, để đẩy mạnh việc tổ chức liên kết sản xuất nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết hoàn chỉnh cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các chủ thể gồm: hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương.
Sự liên kết này giúp các hợp tác xã xây dựng quy trình sản xuất theo hướng an toàn; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với tiêu thụ; tổ chức nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng cho cán bộ quản lý hợp tác xã, kỹ năng đàm phán trong ký kết hợp đồng... Từ đó giúp thành viên hợp tác xã hiểu được nhu cầu của người tiêu dùng thế giới, làm ra những sản phẩm theo yêu cầu, với giá trị kinh tế cao hơn, thay vì sản xuất và tiêu thụ theo truyền thống “bán cái mình có” như trước.
Theo bà Lê Phương Chi, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ, sản xuất thanh long Hàm Minh 30 (tỉnh Bình Thuận), sản xuất thanh long sạch theo hướng VietGAP, Global GAP mở ra một hướng đi an toàn và bền vững cho trái thanh long, cũng là xu hướng chung của thế giới. Để tồn tại người nông dân không còn cách nào khác phải tham gia vào chuỗi sản xuất thanh long an toàn.
Không chỉ sản xuất thanh long an toàn, Hợp tác xã Hàm Minh 30 còn ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm và ký hợp đồng với nông dân để sản xuất theo quy trình liên kết chuỗi giá trị. Từ đó tạo nên chu trình khép kín trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long; khuyến khích tiêu thụ nông sản bằng hợp đồng có định hướng.
Sau 5 năm hoạt động, sản phẩm trái thanh long của hợp tác xã này đã xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Hàn Quốc, với sản lượng 60 tấn/năm; đồng thời cung cấp sản phẩm trái tươi cho các đối tác xuất khẩu đi các thị trường châu Âu, với sản lượng 100 tấn/năm… Nhờ vậy, sản xuất và thu nhập của các thành viên trong hợp tác xã cao hơn so với trước đây.
Từ các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi này, hợp tác xã phát triển 2 sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, gồm: trái thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng. Hợp tác xã cũng đã bước đầu chế biến sản phẩm thanh long sấy khô, bà Lê Phương Chi chia sẻ.
Khảo sát tại các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp khác, các thành viên cho rằng, thông qua các hợp tác xã, thành viên hợp tác xã có thêm nhiều cơ hội kết nối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động tuân theo chuỗi sản xuất nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sản phẩm nông nghiệp nhờ đó cũng khẳng định chất lượng, thương hiệu trên thị trường.
Ông Từ Văn Hay (dân tộc Chăm) ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết, trước đây gia đình ông chỉ trồng rau màu và bán tự do ra các chợ nên đầu ra không ổn định, thu nhập rất bấp bênh. Từ khi tham gia vào Hợp tác xã Tuấn Tú, gia đình ông đã chuyển đổi sang trồng cây măng tây. Gia đình ông được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, thông tin thị trường nên việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi. Đời sống gia đình được cải thiện, đã thoát nghèo và dần vươn lên thành hộ khá trong vùng.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có 1.718 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.913 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị, tăng 1,5 lần so với năm 2019.
Những năm qua, kinh tế tập thể hợp tác xã đã đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định giá cả và kiềm chế lạm phát, tăng kim ngạch xuất khẩu, tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó, đóng góp vàoo xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, đặt biệt tại địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chiến lược các hợp tác xã đề ra là tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho thành viên, phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản… gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển sản phẩm chủ lực tại địa phương.
Với chiến lược này, các thành viên bên ngoài hợp tác xã cũng có nguyện vọng được tham gia vào hợp tác xã để cùng chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, đặc biệt là sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong tiêu thụ hàng hóa, thương mại đạt giá trị kinh tế cao nhất.