Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, đến nay, tỉnh đã thu hoạch 114.279 ha lúa Hè Thu, chiếm hơn 40,5% diện tích xuống giốngvới năng suất bình quân 5,65 tấn/ha. Dự kiến trong tháng 8 này, diện tích lúa thu hoạch của tỉnh là hơn 76.200 ha với sản lượng hơn 426.730 tấn.
Hiện tại, giá lúa chất lượng cao ở các huyện giảm so với những tháng đầu năm, thu mua của doanh nghiệp và thương lái rất chậm. Tại huyện Gò Quao, tùy theo giống lúa giá từ 5.700 - 5.800 đồng/kg; huyện Giang Thành giá từ 5.200 - 5.700 đồng/kg... Tiếp đến, dự kiến sản lượng tôm nuôi và cá nuôi lồng bè trên biển thu hoạch trong tháng 8 của tỉnh khoảng 12.900 tấn; trong đó, tôm các loại 12.500 tấn, cá 400 tấn.
Tuy nhiên, hiện nay giá thủy sản giảm trên thị trường, đầu ra tiêu thụ rất chậm do ít thương lái thu mua; một số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ngừng hoạt động... Tỉnh còn có nhiều sản phẩm nông sản khác cần tiêu thụ như: rau, củ, quả các loại, khoai lang, khoai môn và những mặt hàng thiết yếu khác.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh đã thiết lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, công ty, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, tiêu thụ, vận chuyển hàng hóa, vật tư… phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Sở đã trình UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hải sản Hải Thành (TP Hồ Chí Minh) đến tỉnh Kiên Giang thu mua cá xuất khẩu; phối hợp với các ngành có liên quan, huyện, thành phố, Viettel Post, VNpost và các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh thường xuyên trao đổi thông tin về cung cầu sản phẩm nông sản; thúc đẩy kết nối tiêu thụ sản phẩm nông - thủy sản giữa nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã… với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông sản hàng hóa trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, Sở Công Thương Kiên Giang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương kết nối với các doanh nghiệp kinh doanh, chợ đầu mối, hệ thống phân phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để ứng phó dịch COVID-19.
Tỉnh cũng duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" tại các khu công nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất, nhất là những nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu đang tạm ngưng hoạt động khôi phục lại sản xuất chế biến. Qua đó, góp phần giải quyết đầu ra hàng thủy sản cho nông dân, với giá cả ổn định; giải quyết việc làm cho công nhân lao động.
Tỉnh tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, sàn giao dịch điện tử, kết nối cung cầu trong và ngoài nước để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của tỉnh như: gạo, thủy sản…
Ngoài ra, Bưu điện tỉnh Kiên Giang mở điểm bán hàng bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu tại bưu cục một số xã, phường, thị trấn để tiêu thụ các loại rau, trái cây, gạo, khoai lang, khoai môn…
Để hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm nông sản trong điều kiện dịch COVID-19, tỉnh được thuận lợi nhất, tỉnh tạo cho các phương tiện đường bộ, đường thủy vận chuyển lưu thông hàng hóa, vận chuyển các thiết bị, công cụ thu hoạch sản phẩm nông sản của công ty, doanh nghiệp, thương lái được thông suốt trên địa bàn.
Tỉnh không "ngăn sông, cấm chợ", hỗ trợ cho các doanh nghiệp, công ty, thương lái… thu mua sản phẩm nông sản hàng hóa của nông dân trên địa bàn, nhất là đến kỳ nông dân thu hoạch vụ mùa được thuận lợi.