Kiên Giang: Chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào dân tộc Khmer

Tỉnh Kiên Giang có dân số là đồng bào dân tộc thiểu số hơn 261.130 người (chiếm gần 15%), phần lớn là đồng bào dân tộc Khmer (hơn 13% dân số toàn tỉnh). Từ năm 2012, cùng với quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh tập trung chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer, đẩy mạnh phát triển đồng bộ các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa…, nhất là những vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống.

Chú thích ảnh
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Hà Tiên hiện có 27 cán bộ, giáo viên và 238 học sinh, phần lớn là con em đồng bào dân tộc Khmer đang theo học từ lớp 6 đến lớp 9. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang, hàng năm, nhân các ngày lễ hội, tết cổ truyền của dân tộc Khmer, các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào tổ chức lễ theo phong tục truyền thống và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao vui tươi, lành mạnh, đậm đà bản sắc dân tộc. Đặc biệt, tỉnh đã nâng cấp lễ hội Ok Om Bóc của đồng bào Khmer tại huyện Gò Quao lên thành “Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Kiên Giang”. Trong các dịp lễ hội của đồng bào Khmer và những ngày lễ lớn của đất nước, các huyện có đông đồng bào như Gò Quao, Châu Thành, Giồng Riềng, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên đều tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng dân tộc Khmer. Đoàn Nghệ thuật Khmer của tỉnh, hàng năm có từ 70 - 80 buổi lưu diễn phục vụ đồng bào, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện cho đồng bào thực hiện việc hỏa táng người thân qua đời theo truyền thống, giai đoạn 2012 - 2020, Trung ương và tỉnh đã hỗ trợ xây mới 12, sửa chữa 8 lò hỏa táng ở 30 điểm chùa trong tỉnh với tổng kinh phí hơn 19 tỷ đồng. Hiện tại, Trung ương hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng xây dựng cụm nhà hỏa táng hiện đại cho đồng bào Khmer tại chùa Thứ Ba, thị trấn Thứ Ba, huyện An Biên.

Tỉnh cũng thực hiện tốt các chính sách, hỗ trợ học sinh, sinh viên là con em đồng bào dân tộc Khmer như tiền ăn trưa đối với trẻ mẫu giáo, miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên dự bị đại học, cử tuyển… với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Tỷ lệ huy động trẻ dân tộc Khmer trong độ tuổi đến trường hàng năm đạt 97% trở lên. Thực hiện chính sách cử tuyển, từ năm 2014 đến nay, tỉnh có 46 học sinh dân tộc Khmer được cử tuyển vào các trường đại học tại thành phố Cần Thơ, 313 học sinh được xét tuyển vào dự bị đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần nâng lên trình độ dân trí trong đồng bào, đào tạo nguồn nhân lực và nguồn cán bộ là người dân tộc Khmer cho tỉnh. Toàn tỉnh có 43 điểm trường dạy song ngữ với hơn 220 lớp và hàng ngàn học sinh là dân tộc Khmer theo học; 31 chùa trên địa bàn tỉnh dạy chữ Khmer trong dịp hè với gần 300 lớp và hơn 7.000 học sinh dân tộc Khmer theo học mỗi năm.

Đối với thông tin truyền thông tại vùng đồng bào dân tộc Khmer, các báo, đài tỉnh, đài truyền thanh huyện, thành phố tăng cường tin, bài, mở chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng phát sóng để thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer. Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phủ sóng phát thanh, truyền hình đạt 100%. Chương trình phát thanh - truyền hình bằng tiếng Khmer của tỉnh nâng lên chất lượng và thời lượng, phục vụ ngày càng tốt nhu cầu nghe, xem đài của đồng bào dân tộc Khmer.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Lưu Trung nhấn mạnh, tiếp tục chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần đồng bào dân tộc Khmer, tỉnh thực hiện bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Tỉnh đầu từ phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Tỉnh cũng tập trung đầu tư phát triển đồng bộ giáo dục và đào tạo, y tế vùng đồng bào Khmer, nhằm ngày càng nâng lên chất lượng dạy và học, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe đồng bào dân tộc.

Lê Huy Hải (TTXVN)
Góp sức thay đổi nhận thức và đời sống của phụ nữ Khmer
Góp sức thay đổi nhận thức và đời sống của phụ nữ Khmer

Là những người phụ nữ ham học hỏi, muốn thay đổi cuộc sống chính mình và cộng đồng, bà Thạch Thị Út Lan (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Thới Xuân, xã Thới Đông) và bà Dương Thị Mạnh (Bí thư ấp kiêm Trưởng ấp và Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Đông Thắng, xã Đông Thắng) đã vượt qua nhiều khó khăn để gắn bó với công tác xã hội hàng chục năm qua. Họ là hai đảng viên người Khmer làm công tác Hội tiêu biểu của huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ, góp phần thay đổi nhận thức của các phụ nữ ở ấp, đặc biệt là phụ nữ Khmer về chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN