Ngày 26/7, tại hội nghị triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2019 của ngành nông nghiệp và triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2019 trên địa bàn tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã có dự báo mùa lũ năm 2019 đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn so với các năm, hiện mực nước tại An Giang đo được cũng đang ở mức thấp, nhưng các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh không được chủ quan trong phòng, chống lũ.
Ít khả năng xuất hiện lũ lớn
Theo ông Lương Huy Khanh, Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh An Giang, mùa lũ năm 2019, ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long. Dự báo, đỉnh lũ năm nay ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức báo động 1, báo động 2, thấp hơn đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Chi Cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh An Giang cho biết, năm nay, tuy ít có khả năng xuất hiện lũ lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ cường suất lũ lên nhanh hơn bình thường do tác động điều tiết dòng chảy trên sông Mê Kông ở thượng lưu.
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh An Giang, từ đầu mùa khô năm 2018-2019, mực nước tại các trạm dọc sông Mê Kông đều ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm. Đầu tháng 1/2019, mực nước tại các trạm phía trên Phnôm Pênh, Campuchia bắt đầu có sự gia tăng và ở mức cao hơn trung bình nhiều năm, tuy nhiên, dưới Phnôm Pênh đều thấp hơn trung bình nhiều năm. Từ đầu tháng 3/2019, mực nước phía dưới Phnôm Pênh bắt đầu gia tăng ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng từ đầu tháng 6/2019 đến nay, mực nước trên các trạm dọc sông Mê Kông từ trung đến hạ lưu ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1m đến 6m.
Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh An Giang cho biết, mực nước các sông trên địa bàn tỉnh An Giang hiện dao động chủ yếu theo thủy triều và chịu ảnh hưởng lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông và việc vận hành công trình thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh Kiên Giang. Trong đó, mực nước cao nhất/thấp nhất tháng 1/2019 và tháng 2 ở mức xấp xỉ và thấp hơn cùng kỳ 2018, có thời điểm thấp hơn năm 2016. Từ đầu tháng 3 lượng nước có sự gia tăng đáng kể, nhưng mực nước cao nhất từ tháng 3 đến tháng 5/2019 vẫn ở mức thấp hơn cùng kỳ 2018 từ 0,1m đến 0,2m. Từ giữa tháng 6 đến nay, mực nước cao nhất/thấp nhất ngày đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018; mực nước cao nhất ngày thấp hơn từ 0,05m đến 2,3m, mực nước thấp nhất thấp hơn từ 0,05m đến 3,1m.
Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh An Giang cho biết, từ cuối tháng 7 đến tháng 10/2019, tổng lượng dòng chảy trên các trạm thượng nguồn Mê Kông ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 20-40% và đầu nguồn sông Cửu Long, đỉnh lũ cao nhất năm tại Tân Châu, Châu Đốc có khả năng ở mức xấp xỉ và thấp hơn báo động 1.
Không chủ quan
Vụ lúa Thu Đông năm 2019, tỉnh An Giang có kế hoạch sản xuất với tổng diện tích là gần 169.000 ha; trong đó, lúa là hơn 152.000 ha và rau màu là hơn 16.000 ha. Để đối phó với lũ đầu mùa, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã lên kế hoạch xả lũ vụ Thu Đông năm 2019. Theo đó, ngành nông nghiệp An Giang đã xây dựng kế hoạch xả lũ năm 2019 đối với 34 tiểu vùng sản xuất lúa ba vụ với tổng diện tích là gần 26.500 ha thuộc các huyện như: An Phú, Phú Tân, Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên, Tri Tôn và thị xã Tân Châu.
Bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, trên cơ sở kế hoạch xả lũ, thời gian tới, ngành nông nghiệp yêu cầu các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh tập trung rà soát, điều kiện sản xuất thực tế của các địa phương tiến hành ngưng vụ sản xuất lúa trong các tiểu vùng có kế hoạch xả lũ; khuyến cáo người dân sản xuất các loại cây rau màu ngắn ngày thay thế các diện tích ngưng xuống giống lúa vụ Thu Đông để tăng thu nhập cho người dân.
“Các huyện, thị cũng phải tăng cường kiểm tra độ an toàn của các công trình chống lũ trước khi xả lũ; có biện pháp bảo vệ các công trình trong thời gian ngập lũ; theo dõi mực nước sau khi xả lũ sao cho phù hợp với điều kiện bờ đê cũng như địa hình từng khu vực. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần xây dựng kế hoạch rút nước xuống giống vụ Đông Xuân 2019-2020 kịp thời đúng thời vụ quy định khi hết lũ”, bà Vân cũng cho biết thêm.
Mặc dù đỉnh lũ năm 2019 được dự báo ở mức thấp và lũ không lớn như các năm, nhưng Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh An Giang cũng cảnh báo ngành nông nghiệp tỉnh An Giang không được chủ quan trong phòng, chống lũ và cần xây dựng kế hoạch ứng phó với lũ.
Phó Chủ tịch tỉnh An Giang cũng cảnh báo bài học mùa lũ năm 2011 với đánh giá lũ thấp, nhưng đến tháng 9 mực nước lũ đầu nguồn sông Cửu Long bất ngờ dâng cao khiến các tỉnh trong đó có An Giang trở tay kịp trong phòng, chống lũ.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cũng lưu ý: “Hiện mực nước sông Mê Kông thấp là do lượng mưa đầu mùa đang rất ít, cộng với các đập thuỷ điện trên địa phận Lào đang tích nước, khiến mực nước trên sông Mê Kông xuống thấp chỉ là cục bộ. Tuy nhiên, từ tháng 9 đến tháng 10, diễn biến về lũ có thể sẽ thay đổi khi lưu lượng mưa nhiều ở thượng Lào và trung Lào, cộng với các đập thuỷ điện Lào đã tích đầy, nên chúng ta không được chủ quan trong phòng, chống lũ”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu, các sở, ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh không được lấy dự báo mùa lũ 2019 thấp để chủ quan trong phòng, chống và yêu cầu đưa phòng, chống lũ vào kịch bản phòng chống thiên tai của tỉnh năm 2019, nếu lũ không về thì xem như là một đợt diễn tập cho các mùa lũ tiếp theo..
Để phòng chống lũ, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết, thời gian tới, tỉnh An Giang sẽ tập trung rà soát, thống kê số hộ dân sống ở ven sông, kênh rạch và các khu vực xung yếu, khu vực trũng, thấp thường xuyên bị sạt lở, bị ngập do lũ… Từ đó, tỉnh sẽ có kế hoạch dài hạn về di dời, sơ tán dân đến nơi an toàn khi xảy ra thiên tai,nhất là mùa lũ đang cận kề.