Không chủ quan với tăng trưởng 2018

Năm 2018 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020.

Để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm xung quanh vấn đề này.

Xin ông đánh giá về tình hình kinh tế năm 2017 và cho biết những ngành, lĩnh vực nào khởi sắc giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong những tháng qua?

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tăng trưởng năm 2017 đạt kế hoạch, khẳng định tính kịp thời, linh hoạt, phù hợp và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành, chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành, các địa phương thực hiện.

Trong mức tăng 6,81% của toàn nền kinh tế năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm.

Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả năm đạt 36,37 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

Ngoài ra, trong năm nền kinh tế còn đạt được một số thành quả nổi bật như: Tổng mức lưu chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu vượt mốc 400 tỷ USD; xuất khẩu rau quả lập kỷ lục trên 3,5 tỷ USD. Thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt mức cao nhất từ trước tới nay với 17,5 tỷ USD và số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt mức kỷ lục trên 120.000 doanh nghiệp.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dần dịch chuyển sang chiều sâu, thể hiện ở sự cải thiện về đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong tăng trưởng của nền kinh tế. Ngoài ra, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư cũng có cải thiện, tuy chưa nhiều nhưng thể hiện xu hướng vốn đầu tư ngày càng được sử dụng hiệu quả hơn. Hệ số sử dụng vốn (ICOR) của Việt Nam theo số liệu ước tính của năm 2017 là 6,10, thấp hơn các năm 2012 (6,76), năm 2013 (6,67), năm 2014 (6,29) và năm 2016 (6,42).

Ngành thống kê đã có những đóng góp gì trong việc tham mưu để Chính phủ đạt được những kết quả tốt trong điều hành kinh tế  năm 2017, thưa ông?


Năm 2017, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP cho các quý của năm 2017 theo ngành kinh tế, giúp Chính phủ làm cơ sở để chỉ đạo, điều hành các bộ ngành, địa phương có các phương án, chính sách thúc đẩy tăng trưởng ngành, lĩnh vực mình phụ trách góp phần vào tăng trưởng GDP chung của cả nước.

Tổng cục Thống kê tăng cường sử dụng mô hình kinh tế trong phân tích và đánh giá tác động của các chính sách tới ổn định vĩ mô, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, điều chỉnh mức giá một số loại hành hóa và dịch vụ chiến lược theo cơ chế thị trường như điều hành giá xăng dầu, giá điện; điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục… cung cấp kịp thời cho Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để Chính phủ có đầy đủ thông tin trong nhận định tình hình, đưa ra các giải pháp điều hành và có phương án tăng giá phù hợp, ít tác động nhất đến tăng trưởng cũng như lạm phát.

Trong những năm gần đây, Tổng cục Thống kê đã tăng cường công tác phân tích chuyên sâu các chủ đề kinh tế xã hội như: Đánh giá tiềm lực quốc gia; Báo cáo năng suất lao động; Báo cáo trình độ phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam so với các nước trong khu vực…. Từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ về cải thiện năng suất lao động, về bắt kịp thu nhập, trình độ sản xuất của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tác động tới tăng trưởng cho các năm tới. Ông nhận định về tình hình này như thế nào?

Năm 2018 và các năm tiếp theo kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo đó, 10 nguy cơ rủi ro hàng đầu thế giới do Diễn đàn Kinh tế Thế giới đưa ra là: nguy cơ xung đột quốc tế; thời tiết cực đoan; thất bại của hệ thống quản trị quốc gia; khủng hoảng hay sự sụp đổ của nhà nước; thất nghiệp hay bán thất nghiệp; thảm họa thiên tai; thất bại trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu; khủng hoảng nguồn nước; gian lận hay đánh cắp dữ liệu và các vụ tấn công mạng. Việt Nam phải đương đầu với 6 trong 10 loại rủi ro này.

Bên cạnh đó, mức năng suất lao động của Việt Nam rất thấp và chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước tiếp tục gia tăng. Ngoài ra, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự ra đời và áp dụng công nghệ mới, kết hợp kiến thức trong các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số, sinh học... tạo ra xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất là thách thức vô cùng lớn, với nguy cơ tụt hậu mãi đối với những nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình như Việt Nam.

Độ mở của nền kinh tế Việt Nam rất lớn nên phụ thuộc nhiều vào tổng cầu của thế giới. Thách thức từ những vấn đề trong nội tại của nền kinh tế Việt Nam như: công nghệ thấp, đất đai tài nguyên đã được khai thác nhiều; tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng chậm, môi trường kinh doanh được cải thiện, các quy định về điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm nhưng vẫn còn rườm rà, tốn kém thời gian, sức lực của các doanh nghiệp, người dân.

Với những thách thức, khó khăn của nền kinh tế vẫn còn tồn tại. Mục tiêu kinh tế năm 2018 sẽ có vai trò như thế nào trong giai đoạn 2016-2020. Theo ông, những yêu cầu nào cần đặt ra để phấn đấu trong năm 2018, góp phần thành công cho giai đoạn 2016-2020?


Năm 2018 là năm có ý nghĩa rất quan trọng, năm bản lề quyết định việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Bên cạnh những yếu tố thuận lợi và đương đầu với các nhóm thách thức, trước mắt, để hoàn thành tốt mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 đã được Quốc hội thông qua; trong đó, GDP tăng từ 6,5-6,7%, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%... Chính phủ, các cấp, các ngành và địa phương phải nhận thức đúng và đầy đủ những khó khăn, thách thức phía trước để kịp thời có các giải pháp khắc phục ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2018.

Theo đó, cần tập trung vào đẩy mạnh cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ và các Bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế; đồng thời, nghiên cứu thấu đáo nội hàm, phương thức vận hành của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Từ đó, đề xuất thực hiện cụ thể vào một số lĩnh vực ở một số địa phương để Việt Nam hòa chung vào dòng chảy của cách mạng công nghiệp trên thế giới.

Bên cạnh đó, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần ổn định thị trường tiền tệ, hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát… Đồng thời, tăng cường kỷ luật tài chính, thực hiện nghiêm các luật thuế, phí và lệ phí; cải cách thủ tục hành chính về thuế; đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại và nợ đọng thuế…

Ngoài ra, triển khai nhanh việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn này ngay từ những tháng đầu năm, nhất là các công trình hạ tầng bị thiệt hại do thiên tai, các dự án lớn, dự án quan trọng, chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo thực hiện và giải ngân hết nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2018; đồng thời, cần có giải pháp khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân trở thành động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm tới.

Chủ động bám sát diễn biến thời tiết để hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ tới sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản cũng cần được thực hiện; có phương án chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn...

Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp chế biến sâu, phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sản xuất nguyên liệu đầu vào cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài và gắn với liên kết chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia; tập trung phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, du lịch…

Xin trân trọng cám ơn ông!

Thúy Hiền (TTXVN)
GDP năm 2017 đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra
GDP năm 2017 đạt 6,81%, vượt kế hoạch đề ra

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 ước tính tăng 6,81% so với năm 2016. Như vậy, mức tăng trưởng GDP này đã vượt mục tiêu đề ra là 6,7% và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011 – 2016.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN