Thu hoạch lúa trong mô hình lúa - tôm ở xã Phú Tân (ảnh tư liệu).
Lợi Quan (Tiền Giang) là một quần thể gồm nhiều cù lao, cồn bãi nhiễm mặn: cù lao Tân Thới, cồn Bà, cồn Ngang, cồn Cống… nằm phía hạ lưu sông Tiền tiếp giáp với biển Đông. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nơi đây là căn cứ cách mạng vững chắc đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã qua. Miền đất này có điều kiện khí hậu, thủy văn khắt nghiệt; mỗi năm từ 6 đến 9 tháng bị nhiễm mặn; đất đai chỉ trồng được một vụ lúa/ năm, năng suất thấp, bấp bênh lại bị thiên tai hạn mặn đe dọa. Đời sống nhân dân cực kỳ khó khăn, quanh năm thiếu thốn đủ mọi bề.
Khởi sắc kinh tế cù lao
Năm 2008, huyện Tân Phú Đông được thành lập trên cơ sở toàn bộ quần thể cù lao Lợi Quan, theo Nghị định số 09/2008/NĐ-CP của Chính phủ về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây để mở rộng thị xã Gò Công và thành lập huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, đã đặt dấu mốc cho sự phát triển vượt bậc của miền đất gian khó và giàu chiến tích một thời. Xuất phát điểm từ cơ cấu kinh tế chủ yếu là nông nghiệp; hạ tầng còn nhiều hạn chế, đa phần nhân dân đều nghèo khó, thiếu thốn. Tuy nhiên, với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương cùng sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các đơn vị liên quan, Tân Phú Đông từng bước phát huy các tiềm năng kinh tế, vươn lên phát triển mạnh mẽ.
Bí thư đồng thời Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn cho biết, huyện xây dựng phương án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên đất cù lao theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu. Trọng tâm là chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp, xây dựng các vùng sản xuất tập trung, nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững giúp nhân dân địa phương có nguồn thu nhập ổn định, an cư lạc nghiệp.
Theo ông Bùi Thái Sơn, tuy khí hậu khắt nghiệt, hàng năm hạn - mặn gay gắt nhưng Tân Phú Đông cũng giàu các tiềm năng kinh tế được địa phương chú trọng khai thác một cách căn cơ và hiệu quả. Nổi bật có cây sả, cây dừa, con tôm sú, tôm thẻ,… là những đối tượng cây trồng, vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện khí hậu khắt nghiệt, chịu hạn, chịu mặn. Thực hiện mục tiêu, địa phương cắt không trồng lúa một vụ năng suất thấp, bấp bênh, thường xuyên bị thiên tai hạn mặn đe dọa hàng năm để chuyển sang những cây trồng phù hợp thổ nhưỡng, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cánh đồng sả chuyên canh ở Tân Phú Đông (ảnh tư liệu).
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết, nông dân đã chuyển khoảng 4.000 ha đất lúa một vụ trước đây sang chuyên canh sả - một cây gia vị vừa là cây dược liệu có giá trị cao, hình thành vùng sả nguyên liệu lớn nhất tỉnh Tiền Giang. Bên cạnh đó, mở rộng diện tích dừa lên trên 2.700 ha, 320 ha vườn trồng cây ăn quả các loại, khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản lợ, mặn ở các cù lao, cồn bãi ven biển…
Những năm qua, giá sả Tân Phú Đông luôn giữ ở mức từ 4.500 đồng đến 5.000 đồng/kg nên người trồng sả phấn khởi nhờ nguồn thu nhập khá. Tiêu biểu, gia đình ông Lê Văn Trúc, ấp Cả Thu 1, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông mạnh dạn chuyển đổi 6 ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng chuyên canh sả. Theo ông Trúc, cây sả dễ trồng, chịu hạn, chịu phèn mặn, ít sâu bệnh, cho năng suất, sản lượng cao và đầu ra thuận lợi. Với 6 ha sả, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông Trúc còn lãi trên 450 triệu đồng.
Nghề nuôi thủy sản lợ, mặn được khuyến khích phát triển với tổng diện tích lên đến 7.665 ha. Tùy theo điều kiện từng tiểu vùng và trình độ canh tác của người dân, địa phương hướng bà con áp dụng những mô hình canh tác tổng hợp hiệu quả, cho nguồn nông sản hàng hóa lớn vừa phù hợp với định hướng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.
Nổi bật có mô hình lúa - tôm ở hai xã ven biển Phú Đông, Phú Tân; mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở các xã Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân… Xã Phú Tân nằm ven biển Đông được quy hoạch thành xã chuyên ngư đầu tiên của tỉnh Tiền Giang.
Ông Nguyễn Hữu Minh, cư ngụ ấp Phú Hữu, xã Phú Tân chuyển đổi 4,2 ha đất canh tác sang áp dụng mô hình 1 vụ lúa và 1 vụ tôm/ năm (tôm - lúa). Cụ thể, vào mùa mưa, có nước ngọt ông trồng lúa chất lượng cao còn vào mùa khô hạn chuyển sang nuôi tôm quảng canh cải tiến. Với 4,2 ha, mỗi năm ông thu nhập từ 450 triệu đồng đến 500 triệu đồng.
Kinh nghiệm tổ chức lại sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai của các nông dân nhạy bén, sáng tạo, nắm bắt các cơ hội chuyển đổi cây trồng vật nuôi làm giàu trên những địa bàn nổi tiếng canh tác khó khăn đang được lãnh đạo huyện Tân Phú Đông khuyến khích và nhân rộng.
Xây dựng nông thôn đẹp giàu
Nuôi tôm thâm canh tại ấp Kênh Nhiếm, xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông (ảnh tư liệu).
Ngày nay, Tân Phú Đông là vựa nông sản hàng hóa, vùng nuôi tôm tiêu dùng và chế biến xuất khẩu quan trọng bậc nhất tỉnh Tiền Giang. Hàng năm, huyện đạt sản lượng trên 70.000 tấn sả thương phẩm, trên 30.000 tấn dừa khô, trên 5.600 tấn trái cây các loại, gần 45.000 tấn thủy hải sản các loại. Chăn nuôi phát triển với tổng đàn lợn trên 19.000 con, đàn bò trên 4.600 con, đàn gia cầm trên 335.000 con. Tất cả mang lại cho người dân một nguồn lợi lớn, giải quyết công ăn việc làm, an sinh xã hội.
Kinh tế cù lao khởi sắc giúp nâng thu nhập bình quân đầu người hiện nay lên 67,18 triệu đồng/người/năm, tăng 2,68 lần so với năm 2011; giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống 1,68%, giảm gần 43% so với năm 2011. Đây là tiền đề để Tân Phú Đông mạnh bước xây dựng nông thôn mới đẹp giàu theo chuẩn quốc gia.
Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Bùi Thái Sơn chia sẻ, huyện triển khai thực hiện chương mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với phương châm xây dựng nông thôn mới có điểm bắt đầu không có điểm kết thúc. Huyện uỷ có nghị quyết, UBND huyện xây dựng kế hoạch phù hợp và khả thi, vạch lộ trình xây dựng xã, huyện nông thôn mới với sự tập trung của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2011-2024, Tân Phú Đông đã huy động được 7.400 tỷ đồng kiện toàn kiến thiết hạ tầng nông thôn mới, trong đó người dân đóng góp gần 30 tỷ đồng. Ngoài ra, bà con còn đóng góp công của trong xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, phát triển sản xuất, hiến quỹ đất đai, cây trái, hoa màu mở mang đường sá, hoàn thiện mạng lưới thuỷ lợi… nhằm chung sức xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy, đến nay, 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đồng thời Tân Phú Đông đã hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới và được công nhận huyện nông thôn mới năm 2024.
Từ một vùng đất căn cứ cách mạng vững chắc luôn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhờ vào ý Đảng, lòng dân, sau 50 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tân Phú Đông tiến một bước dài trên con đường vươn lên phồn vinh, thịnh vượng. Đây cũng là điều kiện cần và đủ để nơi đây mạnh bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc hôm nay.