Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cắt băng khánh thành cầu Tân Phong.
Đây là công trình giao thông trọng điểm của Tiền Giang được đầu tư nhằm thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Cầu Tân Phong có tổng mức đầu tư gần 240 tỷ đồng với quy mô chiều dài cầu chính 359 m gồm 9 nhịp, chiều rộng cầu 9 m, tải trọng thiết kế HL93, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực; đường vào cầu dài 1.461 m, láng nhựa. Công trình còn bố trí hệ thống chiếu sáng trên cầu, đường dẫn và hệ thống an toàn giao thông…
Công trình cầu Tân Phong do Liên doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thiên Thuận và Công ty cổ phần Xây dựng 525 trúng thầu thi công. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt khó, tập trung phương tiện, thiết bị, nhân lực cùng với sự theo dõi, kiểm tra sâu sát, kịp thời giải ngân nhanh nguồn vốn đầu tư theo tiến độ dự án của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Tiền Giang nhằm hỗ trợ nhà thầu, công trình cầu Tân Phong có tiến độ thi công nhanh, thời gian thi công rút ngắn vừa đảm bảo chất lượng công trình, về trước kế hoạch đề ra gần 1 tháng trong sự hân hoan của bà con địa phương hưởng lợi.
Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đánh giá: Cầu Tân Phong hoàn thành kết nối xã Tân Phong vốn là quần thể cù lao trên sông Tiền lâu nay bị chia cắt, tách biệt giữa bốn bề sóng nước với đất liền, giúp nơi đây phát huy tốt các tiềm lực lao động, đất đai, tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững, giảm nghèo nông thôn và xây dựng nông thôn mới đẹp giàu.
Đặc biệt là thế mạnh vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản kết hợp với phát triển du lịch sinh thái miệt vườn sông nước cù lao giàu bản sắc.
Công trình còn có ý nghĩa quan trọng nhằm hoàn thiện hạ tầng giao thông các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh, tạo điều kiện cho khu vực này phát triển nhanh và bền vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao, xây dựng nông thôn mới thành công.
Những phương tiện đầu tiên qua cầu Tân Phong.
Cầu Tân Phong đưa vào sử dụng sẽ giúp việc giao thông, vận chuyển hàng hóa, đi lại của hơn 3.556 hộ dân thuộc xã Tân Phong (huyện Cai Lậy) với đất liền thuận lợi, không còn cảnh đò giang sông nước kềm hãm sự phát triển của vùng đất cù lao giàu tiềm năng, vừa là động lực thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái sông nước cù lao Tân Phong nói riêng, liên kết phát triển du lịch khu vực sông Tiền cũng như Tiểu vùng Đồng Tháp Mười nói chung trong tương lai.
Ông Kiều Mạnh Quân, người dân xã cù lao Tân Phong phấn khởi chia sẻ, công trình cầu đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân miệt vườn sông nước cù lao. Từ nay, bà con nơi đây không còn chịu cảnh đò giang sông nước chia cắt khiến kinh tế - xã hội không được phát huy đúng mức, đời sống vật chất và tinh thần của dân cù lao phải chịu nhiều thiệt thòi trong suốt thời gian dài trước đây.
Trước đó, trong năm 2024, Tiền Giang cũng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cầu Tân Thạnh kết nối xã cù lao Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông) với đất liền, cầu Ngũ Hiệp nối liền xã cù lao Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy) với mạng lưới giao thông khu vực đã thiết thực thúc đẩy kinh tế cù lao sông Tiền (Tiền Giang) phát triển lên một tầm cao mới, xứng đáng với tiềm năng đất đai, lao động nơi đây.