Đây là năm thứ 18 Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ phối hợp với các địa phương tổ chức vui Xuân, đón Tết cùng nhân dân trên địa bàn thành phố và cũng là lần thứ tư Tết quân dân được tổ chức ở huyện Phong Điền.
Tại Lễ khai mạc, Đại tá Phạm Ngọc Quang, Chính ủy Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Cần Thơ cho biết, Tết quân dân năm 2024 được diễn ra trong hai đợt. Đợt 1, xuất quân thực hiện các công trình từ ngày 27/11 - 2/12/2023. Đợt 2 gồm các hoạt động cao điểm diễn ra từ ngày 23 - 26/1/2024 (nhằm ngày 1 3- 16 tháng Chạp Âm lịch) với nhiều nội dung phong phú: Giao lưu văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao, các trò chơi dân gian, thi gói bánh tét, làm bánh bông lan, trang trí trái cây nghệ thuật, biểu diễn võ thuật, biểu diễn kỹ thuật điều khiển vỏ lãi composite…
Bên cạnh đó là hoạt động trưng bày triển lãm phục vụ nhân dân với 41 gian hàng bao gồm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng may mặc, hàng thủ công mỹ nghệ, mỹ phẩm, cây giống, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, giúp người tiêu dùng tiếp cận được với hàng Việt Nam chất lượng cao.
Cùng với các hoạt động sôi nổi tạo không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày giáp Tết, Ban Tổ chức tập trung vào thực hiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, hộ cận nghèo; tặng học bổng, tặng xe đạp cho học sinh hiếu học có hoàn cảnh khó khăn; xây dựng Nhà tình nghĩa, Nhà tình đồng đội, Nhà đại đoàn kết, Mái ấm Công đoàn. Hoạt động mở rộng, nâng cấp tuyến đường giao thông, lắp đèn chiếu sáng, phát hoang, trồng hoa các tuyến đường nhằm để lại những công trình dân sinh phục vụ nhu cầu đi lại và phát triển đời sống của nhân dân huyện Phong Điền cũng được chú trọng.
Điểm nhấn trong chuỗi hoạt động năm nay là Ban Chỉ đạo Tết quân dân tiếp nhận và trưng bày công trình “Bản đồ hành chính thành phố Cần Thơ bằng gạo pha màu” lớn nhất Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận.
Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Phong Điền được biết đến là chiến trường ác liệt với tuyến Lộ Vòng Cung - vành đai lửa nổi danh với câu thơ “Vòng Cung đi dễ khó về - Đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom…”. Nơi đây từng diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt, ghi dấu nhiều chiến công vang dội của quân và dân Cần Thơ. Tiêu biểu là chiến thắng Ông Hào năm 1965, các trận đánh đồn địch ở Rau Răm, Rạch Kè, Trà Niềng, Xẻo Khế, Cả Lang, bắn cháy tàu Mỹ trên sông Trường Tiền… Lộ Vòng Cung cũng là địa điểm chuyển quân, trạm Quân y tiền phương, nơi cất giấu vũ khí giúp quân dân kiên cường bám trụ chiến đấu giữ vững căn cứ cách mạng để làm bàn đạp tiến công giải phóng Cần Thơ năm 1975.
Là niềm tự hào của Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ, ngày nay huyện Phong Điền là vành đai xanh, lá phổi xanh của thành phố. Dọc theo tuyến Lộ Vòng Cung lịch sử là bạt ngàn những vườn cây ăn trái đặc trưng đất Nam Bộ, nhiều địa chỉ văn hóa du lịch nổi tiếng như: Khu di tích Nhà thơ Phan Văn Trị, Khu di tích Chiến thắng Ông Hào, Thiền viện Trúc Lâm phương Nam, Làng Du lịch Mỹ Khánh… làm tiền đề cho huyện Phong Điền trở thành đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, một nông thôn mới kiểu mẫu của thành phố Cần Thơ.
Từ một huyện có xuất phát thấp đến nay, Phong Điền đã trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của thành phố Cần Thơ (năm 2015). Hiện nay, tất cả 6 xã của huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó, xã Mỹ Khánh và Trường Long là xã nông thôn mới kiểu mẫu. Bộ mặt nông thôn của huyện ngày càng khang trang. Hệ thống giao thông trên địa bàn được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, tạo sự liên kết các tuyến đường giao thông từ trung tâm hành chính huyện đến các xã và liên xã được thông suốt, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn với thành thị. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có, tinh thần đoàn kết của nhân dân để tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng huyện phát triển nhanh, vững chắc.