Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ty đóng tại xã Nậm Ty, huyện Sông Mã - địa bàn đặc biệt khó khăn, học sinh chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Trong số hơn 700 học sinh của trường có gần 400 em thuộc diện bán trú. Hầu hết học sinh bán trú của nhà trường đều ở cách xa từ 10-20km. Để đảm bảo điều kiện cho học sinh ăn, ở bán trú, nhà trường đã xây dựng phòng ăn và phòng ngủ với đầy đủ điều kiện như điện, nước.
Em Mùa Phương Chi, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ty chia sẻ, nhà em cách trường hơn 12km, đường đi rất khó khăn. Từ năm học lớp 6 em đã được nhà trường bố trí cho ở bán trú, được hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, ở. Vì thế, em rất yên tâm học tập.
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ty, nhà trường rất quan tâm tới việc triển khai công tác bán trú, đặc biệt là vấn đề đảm bảo khẩu phần ăn, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn, nhà trường đã lên thực đơn theo quy định, đồng thời ký cam kết với chủ cung cấp thực phẩm. Việc thực hiện mô hình trường học bán trú thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, góp phần giảm tỉ lệ học sinh bỏ học hàng năm xuống còn dưới 1%. Các em ở bán trú an tâm học tập, bố mẹ không phải lo lắng trong thời gian ở trường từ thứ 2 đến thứ 7. Khi ở bán trú, các em được học thêm nhiều kiến thức, kỹ năng sống cũng được trau dồi hơn.
Để quản lý, chăm sóc học sinh bán trú, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ty đã phân công giáo viên thực hiện nhiệm vụ luân phiên theo ca. Bên cạnh đó, nhà trường còn tuyển thêm đội ngũ nhân viên nấu ăn phục vụ các em.
Ông Phạm Văn Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Nậm Ty cho biết, hàng ngày, một nhóm gồm 6 giáo viên được giao phụ trách kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các em thực hiện nội quy bán trú cũng như sinh hoạt ngoài giờ lên lớp. Công tác bán trú rất vất vả, các thầy cô ngoài việc giảng dạy trên lớp còn phải quản lý học sinh như con của mình. Tuy chế độ chưa được đảm bảo nhưng các thầy cô xác định đã công tác tại trường phải có trách nhiệm để giúp học sinh có sức khỏe và yên tâm học tập.
Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ty, một trong những trường có lượng học sinh bán trú nhiều nhất trên địa bàn với 500 em, công tác bán trú có đặc thù riêng do học sinh còn ít tuổi. Trên cơ sở số tiền được hỗ trợ của mỗi học sinh là 40% mức lương cơ sở, cùng 15kg gạo/tháng, nhà trường cùng Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng thực đơn hàng ngày đủ 3 bữa sáng, trưa và tối. Các bữa ăn được cân đối để học sinh có đủ chất dinh dưỡng… Ngoài ra, nhà trường tổ chức để các em tham gia trồng rau, vừa cải thiện bữa ăn vừa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.
Bà Phạm Thị Liên, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Ty cho biết, các em được ăn, ở, học cả ngày, buổi tối tập trung ôn luyện bài trên lớp. Nhờ vậy, chất lượng học sinh được tăng lên, đảm bảo việc duy trì sĩ số, nhiều năm không có học sinh bỏ học. Ngoài ra, do đặc thù của bậc tiểu học nên nhà trường tiếp nhận các em bán trú từ lớp 1 đến lớp 5. Vì thế, trong quá trình sinh hoạt tập trung có nhiều vấn đề khó khăn, nhất là đối với học sinh lớp 1, 2. Nhiều em chưa thạo tiếng phổ thông nên việc giúp các em hòa nhập với môi trường học tập, ăn, ở tập trung đòi hỏi ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm phải tỉ mỉ, hướng dẫn từng chi tiết nhỏ.
Huyện Sông Mã hiện có 22 trường phổ thông tổ chức nấu ăn bán trú, tổng số học sinh là gần 5.000 em. Toàn huyện hiện có hơn 200 phòng ở, trên 1.200 giường nằm, 29 bếp nấu ăn cho học sinh.
Ông Nguyễn Đình Ngưu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã cho biết, năm học 2017 - 2018, toàn huyện đã huy động được 18 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa để xây dựng cơ sở vật chất. Từ nguồn kinh phí này, địa phương đã sửa chữa, nâng cấp 35 phòng ở bán trú cho học sinh và phòng công vụ giáo viên. Tuy nhiên, do đông học sinh bán trú, trong khi nguồn vốn đầu tư để xây dựng nhà ở, bếp ăn bán trú hạn chế. Vì thế, một số đơn vị trường học chưa đáp ứng được cơ sở vật chất cho học sinh bán trú, nơi ở của các em còn chật chội.
Để giảm bớt khó khăn cho học sinh, giáo viên tại các trường bán trú, huyện đã ban hành nghị quyết về xã hội hóa giáo dục. Theo đó, địa phương giao các trường xây dựng kế hoạch và trình ủy ban nhân dân các xã phê duyệt và thực hiện; đồng thời tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình phục vụ công tác bán trú như nhà ở, bếp ăn, nhà vệ sinh.