Quang cảnh cuộc họp.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu cho biết, các nguyên nhân ngập ở Cần Thơ hiện nay bao gồm: ngập do triều cường, ngập do mưa lớn kéo dài, ngập do tắc nghẽn hệ thống thoát nước do rác thải và sự lấn chiếm của người dân. Các sở, ban, ngành và địa phương mạnh dạn đề xuất các giải pháp sáng tạo, hiệu quả để giải quyết tình trạng ngập lụt.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng phát động phong trào nhằm khơi dậy tinh thần sáng tạo và truyền cảm hứng cho các cán bộ mạnh dạn đề xuất các giải pháp thiết thực. Nếu ai có ý tưởng hiệu quả góp phần chống ngập cho thành phố hoặc hạn chế tối đa tình trạng ngập. Chủ tịch thành phố sẽ trao thưởng "nóng" 50 triệu đồng, tặng Bằng khen đột xuất và xem xét đưa vào quy hoạch cán bộ ở vị trí cao hơn.
Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Văn Lâu sẽ thưởng "nóng" 50 triệu đồng cho cán bộ đề xuất giải pháp chống ngập hiệu quả nhất.
Để giải quyết vấn đề ngập, người đứng đầu chính quyền Cần Thơ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan gồm Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương trong việc vận hành hệ thống cống thoát nước, cải tạo các kênh rạch để ứng phó với triều cường và mưa lớn.
Các đơn vị tăng cường quản lý, xử lý rác thải và ngăn chặn sự lấn chiếm lòng đường, kênh rạch của người dân; rà soát, sửa chữa và nâng cấp hệ thống thoát nước, đảm bảo đồng bộ và hiệu quả và xây dựng quy hoạch, đề xuất các dự án đầu tư dài hạn cho hệ thống thoát nước, xử lý nước thải của thành phố.
Ông Nguyễn Thái Bảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND phường Tân An báo cáo tình hình ngập trên địa bàn tại cuộc họp.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ cho biết, tình trạng ngập cục bộ tại một số tuyến đường trung tâm thành phố vẫn còn diễn ra khi có mưa lớn và triều cường. Theo số liệu từ Công ty cổ phần Cấp thoát nước Cần Thơ, vào ngày 27/5, trên địa bàn thành phố xuất hiện trận mưa kéo dài từ 16 giờ đến 22 giờ, lượng mưa đo được tại Ninh Kiều là 67,7 mm, trong khi tại Cái Răng là 20 mm. Mưa to làm khoảng 20 tuyến đường ở khu vực trung tâm thành phố (quận Ninh Kiều cũ) như: Cách Mạng Tháng Tám, Mậu Thân, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Văn Cừ, Trần Hưng Đạo bị ngập với độ sâu từ 0,2 - 0,4 m, thời gian ngập trung bình từ 2 - 4 giờ.
Đáng chú ý, trong 12 tháng từ tháng 8/2024 đến tháng 7/2025, có 12 đợt ngập do triều cường vượt báo động III, đặc biệt là vào tháng 9, 10 và 11 năm 2024. Ông Khoa cho biết, nguyên nhân gây ngập là do triều cường từ sông Hậu và mưa lớn kết hợp, cùng với hệ thống thoát nước cũ chưa đồng bộ. Thêm vào đó, việc lấn chiếm kênh rạch, xả rác bừa bãi và công tác nạo vét bồi lắng kém hiệu quả cũng làm giảm khả năng thoát nước tự nhiên và của hệ thống cống hiện hữu.
Ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ báo cáo các dự án chống ngập do Ban ODA làm chủ đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp. Theo ông Bùi Thái Thượng, Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố, để ứng phó với triều cường, ngập lụt đô thị, Cần Thơ đã triển khai thực hiện Dự án Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 3). Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 402 triệu USD (tương đương 9.167 tỷ đồng), sử dụng nguồn vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (IDA và IBRD) là 250 triệu USD và vốn không hoàn lại từ Cục Hợp tác Kinh tế Thụy Sĩ (SECO) là 4 triệu USD, cùng với vốn đối ứng hơn 3.378 tỷ đồng. Dự án bao gồm ba hợp phần chính: Kiểm soát ngập lụt và vệ sinh môi trường; phát triển hành lang đô thị; tăng cường quản lý đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án ODA, đến ngày 30/6/2025, 20 gói thầu xây lắp của Dự án 3 đã hoàn thành; trong đó 8 gói thầu đã được bàn giao cho các địa phương và cơ quan có thẩm quyền quản lý. 10 gói thầu khác đang chuẩn bị bàn giao trong tháng 7/2025 sau khi có hướng dẫn cụ thể từ thành phố. Hai gói thầu CT3-PW-1.8 và 1.13 đã hoàn thành hồ sơ và đang chờ kiểm tra nghiệm thu để bàn giao. Công tác giải ngân vốn đầu tư đến ngày 31/12/2024 đạt 7.587 tỷ đồng, tương đương 80,57% tổng vốn dự án.
Các công trình đã hoàn thành của Dự án 3, bao gồm hơn 10 km kè sông Cần Thơ và kè rạch Cái Sơn - Mương Khai, hơn 5 km đường bao Cách Mạng Tháng Tám - Đường tỉnh 918 (đường Lê Phước Thọ), 10 cống ngăn triều và 2 âu thuyền, cầu Trần Hoàng Na và cầu Quang Trung, đã cho thấy hiệu quả rõ rệt trong việc chỉnh trang đô thị, bảo vệ vùng lõi trung tâm thành phố khỏi nguy cơ ngập lụt và tăng cường kết nối giữa khu vực trung tâm với các khu đô thị mới. Hệ thống chống ngập với 10 km kè, 5 km đường đê bao, 10 cống ngăn triều, 2 âu thuyền và 32 tuyến cống độc lập trong nội ô thành phố với 12 km đã tăng cường khả năng thoát nước.
Đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Cái Khế, thành phố Cần Thơ thường xuyên ngập nặng mỗi khi mưa to.
Mặc dù đã có những kết quả tích cực, song việc vận hành các công trình vẫn gặp một số khó khăn. Theo ông Bùi Thái Thượng, Tổ quản lý vận hành và duy tu bảo dưỡng sản phẩm của Hợp phần hỗ trợ kỹ thuật thuộc Dự án 3 chưa được kiện toàn theo chỉ đạo của UBND thành phố. Do đó, Ban Quản lý dự án ODA đã kiến nghị Sở Nội vụ thành phố sớm tham mưu UBND thành phố kiện toàn Tổ này để nâng cao hiệu quả vận hành dự án. Đồng thời, Ban cũng kiến nghị UBND thành phố sớm có ý kiến hướng dẫn về công tác tiếp nhận, bàn giao và vận hành khai thác các công trình cho địa phương quản lý để hoàn tất việc bàn giao các công trình còn lại.
Ngoài ra, Sở Xây dựng cũng đề xuất các giải pháp tổng thể như rà soát, điều chỉnh quy hoạch thoát nước thành phố Cần Thơ đến năm 2050, bổ sung các quy hoạch chi tiết để ứng phó với biến đổi khí hậu. Các giải pháp công trình như xây dựng hệ thống kè bảo vệ, kết hợp với hệ thống cống ngăn triều, âu thuyền, trạm bơm và cải tạo hệ thống kênh rạch, hệ thống cống thoát nước cũng được ưu tiên.