Thậm chí, hàng ngàn công trình hồ, đập mới mới chỉ tích nước được 30%, giảm gấp nhiều lần so với năm 2014 nên dự báo sẽ thiếu nguồn nước nghiêm trọng phục vụ sinh hoạt và sản xuất trong mùa khô tới.
Theo dự báo của các đơn vị chức năng, mùa mưa năm nay đến muộn và kết thúc sớm, nhất là khu vực Tây Nguyên nên lượng mưa có thể thiếu hụt từ 30-60% ngay trong những tháng mùa mưa và hạn hán nghiêm trọng diễn ra trên diện rộng trong mùa khô kế tiếp. Theo đó, lượng mưa ở khu vực Tây Nguyên từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2016 có khả năng thấp hơn so trung bình nhiều năm khoảng 20 đến 50%.
Hệ thống kênh mương dẫn nước của công trình thủy lợi Ayun Hạ (Gia Lai) cạn trơ đáy. Ảnh: TTXVN |
Ông Bùi Văn Sứng, Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk cho biết, từ đầu năm đến nay, lượng mưa trong toàn tỉnh giảm hơn so trung bình nhiều năm từ 60-98%. Tại Đắk Lắk, mặc dù đang là mùa mưa, nhưng mấy tháng nay mưa cũng rải rác, không tập trung, lượng nước các sông, suối thấp hơn gấp nhiều lần so với các năm trước.
Do vậy, hiện nay, phần lớn các hồ, đập lớn của tỉnh như Krông Búk hạ, Vụ Bổn (Krông Pắk), hồ Buôn Triết (huyện Lắk), hồ Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột)… dung tích nước chỉ mới đạt 27,8% đến trên 30%, thấp gần 3m so cùng kỳ năm 2014. Thậm chí, tỉnh Đắk Lắk vẫn còn trên 40 công trình hồ, đập đang ở mực nước chết.
Tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai cũng vẫn còn hàng trăm công trình hồ, đập đang ở mực nước chết hoặc mới tích nước được dưới 30%. Trong mùa khô vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có hàng trăm công trình thủy lợi cạn khô đáy, không còn khả năng hoạt động làm hàng chục ngàn hécta cây trồng bị khô cháy mất trắng. Ngay tại tỉnh Đắk Lắk đã có 200 trình trình thủy lợi không còn khả năng hoạt động; trong đó có 176 công trình hồ chứa, 21 đập dâng cạn khô đáy, không còn dòng chảy và 3 trạm bơm không còn nguồn nước hoạt động. Lượng nước tại các hồ chứa lớn chỉ còn 10 đến 20% dung tích nên tỉnh Đắk Lắk có 61.446 ha cây trồng bị khô hạn; trong đó diện tích mất trắng trên 4.364 ha, thiệt hại trên 2.009 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn vùng Tây Nguyên đã xây dựng được trên 2.261 công trình thủy lợi; trong đó, có 1.150 hồ chứa, 942 đập dâng, 114 trạm bơm, 55 công trình khác, với diện tích tưới thiết kế 268.987 ha, nhưng thực tế chỉ mới tưới cho 202.166 ha. Trong đó, các công trình thủy lợi ở Tây Nguyên tưới cho gần 73.000 ha lúa, trên 112.627 ha cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cây cà phê và gần gần 17.000 ha cây màu, rau các loại, mới đạt 17,6% so với diện tích các loại cây có nhu cầu cần tưới ở địa bàn Tây Nguyên.