Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT: Hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới cho 7,3 triệu ha đất trồng lúa
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nỗ lực triển khai 2 chương trình lớn là Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Hai chương trình này đang tạo ra sự chuyển biến sâu sắc trong nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển biến đó đòi hỏi phải có sự phát triển mới trong ngành thủy lợi.
Hệ thống kênh mương dẫn nước của công trình thủy lợi Ayun Hạ (Gia Lai) cạn trơ đáy. |
Trước hết, ngành thủy lợi phải định hướng rõ hơn để phát huy các lợi thế của đất nước, phát triển các loại nông sản hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Mặt khác, công tác thủy lợi phải đáp ứng sát hơn yêu cầu về thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu được dự báo là thách thức lớn nhất của thế giới cũng như Việt Nam trong thế kỷ 21. Qua 70 năm chặng đường trưởng thành và phát triển, đến nay ngành thủy lợi đã có những thành tựu to lớn. Từ chỗ chỉ có 13 hệ thống thủy lợi lớn đảm bảo tưới cho 324.900 ha, đến nay cả nước đã xây dựng được hàng nghìn hệ thống công trình thủy lợi với 6.886 hồ chứa nước, 10.000 trạm điện lớn, 5.500 cống tưới tiêu lớn, 234.000 km kênh mương, 25.960 km đê các loại. Các hệ thống thủy lợi đã đảm bảo tưới cho 7,3 triệu ha đất trồng lúa, 1,5 triệu ha rau màu, cây công nghiệp, cấp khoảng 6 tỷ m3 nước phục vụ sinh hoạt và công nghiệp, nâng dẫn mức bảo đảm phòng, chống lũ bảo vệ các khu đô thị, khu dân cư và phục vụ sản xuất.
Ông Trần Việt Hùng, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Tập trung sửa chữa, nâng cấp trên 2.260 công trình thủy lợi
Hiện các tỉnh Tây Nguyên đang tập trung lao động, phương tiện sửa chữa, tu bổ, nâng cấp trên 2.260 công trình thủy lợi nhằm đảm bảo tích trữ đủ dung tích nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2015- 2016 và đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Bên cạnh việc hoàn thành 3 công trình thủy lợi lớn và vừa gồm: Công trình thủy lợi Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), hồ KaLa (Lâm Đồng), sửa chữa, nâng cấp hồ Đắk Uy (Kon Tum), các tỉnh Tây Nguyên còn đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu bổ, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi khác đã hư hỏng trong mùa khô vừa qua như sạt lở mái đập thượng lưu, tràn xả lũ, công trình đầu mối, hệ thống kênh dẫn nước… Các tỉnh Tây Nguyên còn đặc biệt quan tâm, chú trọng sửa chữa kịp thời các công trình thủy lợi vừa và nhỏ ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các công trình đã xây dựng đã lâu từ 30 chục năm trở lên để không những tích đủ dung tích nước mà còn đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ.
Ngay tại Đắk Lắk, mùa khô vừa qua, trên 700 công trình thủy lợi đều bị cạn khô đáy, hoặc ở mực nước “chết” nên nhiều bà con nông dân đã tự ý tổ chức đào giếng giữa lòng hồ, đập hay nạo vét lòng hồ không đúng quy trình kỹ thuật làm cho các lòng hồ, đập lồi lõm, dễ bị bồi lắng, tích trữ nước không đúng so với dung tích thiết kế. Tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các địa phương tổ chức ra quân làm thủy lợi tu bổ, sửa chữa, nạo vét các hồ đập, hệ thống kênh mương dẫn nước sẵn sàng tích nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân sắp đến.
Ông Y Dhăm Ênuôl, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Tập trung đầu tư những công trình trọng điểm
Từ nay đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk có kế hoạch đầu tư sửa chữa, nâng cấp, làm mới 353 công trình thủy lợi nhằm đảm bảo chủ động nguồn nước tưới trong vùng quy hoạch cà phê bền vững của tỉnh để không những góp phần giảm giá thành sản phẩm mà còn nâng cao chất lượng, nâng cao tính cạnh tranh cho thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, có 82 công trình đầu tư xây dựng mới, với 72 công trình hồ chứa, 10 trạm bơm, còn lại là sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi.
Việc đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thủy lợi này sẽ nâng diện tích cà phê được tưới chủ động ở các vùng cà phê bền vững của tỉnh như Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Ana, Krông Pắk, thị xã Buôn Hồ và thành phố Buôn Ma Thuột tăng lên 74.247 ha. Theo đó, nguồn vốn đầu tư cho các công trình thủy lợi này là trên 15.310 tỷ đồng, trong đó, vốn từ nguồn ngân sách Trung ương, trái phiếu Chính phủ, ODA là 11.570 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh là 800 tỷ đồng và vốn của các doanh nghiệp là 2.940 tỷ đồng.
Ông Lê Chinh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng: Hoàn thành tiêu chí về thủy lợi
Từ năm 2016 - 2020, tỉnh Lâm Đồng sẽ đào mới 5.581 ao, hồ nhỏ trên địa bàn nhằm hoàn thành tiêu chí về thủy lợi trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Để đào mới số ao, hồ nhỏ này, tỉnh Lâm Đồng sẽ cần khoản kinh phí đầu tư lên tới hơn 125 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ gần 63 tỷ đồng, số còn lại là vốn huy động từ đóng góp của nhân dân.
Đối tượng được áp dụng hỗ trợ thực hiện đào ao, hồ gồm các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại trên phạm vi tất cả các xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Mỗi công trình có diện tích tối thiểu 500 m2, dung tích 1.500 m3 trở lên và phải đảm bảo cung cấp nước tưới tối thiểu cho 3 hộ dân hoặc tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại.
Trong năm 2016, các địa phương trong tỉnh sẽ đào mới 1.143 ao, hồ nhỏ; đến năm 2020 sẽ hoàn thành hệ thống ao, hồ để phục vụ nước tưới cho hơn 8.000 ha cây trồng. Qua đó, góp phần giải quyết tình trạng thiếu nước, khắc phục hạn hán trong mùa khô hằng năm. Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có trên 65% diện tích gieo trồng đảm bảo nước tưới và hoàn thành tiêu chí về thủy lợi trong chương trình xây dựng nông thôn mới.
Ông Lê Viết Thuận, Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Đắk Nông: Khắc phục sự cố công trình thủy lợi
Ngành nông nghiệp đang phối hợp với chính quyền huyện Krông Nô thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố vỡ đường kênh dẫn thuộc công trình thủy lợi Đắk Rồ (xã Đắk Rô, huyện Krông Nô), để bảo vệ tài sản, ổn định sản xuất của nông dân ở địa phương. Theo đó, Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông tiến hành lắp cầu máng đoạn kênh gãy để thông tuyến và dẫn nước tưới cho cánh đồng lúa và hoa màu với diện tích hàng trăm ha. Nắn, điều chỉnh tuyến kênh (đoạn dài 100m) đi sâu vào trong nền đất tốt đảm bảo ổn định lâu dài. Chính quyền huyện Krông Nô xử lý nghiêm tình trạng lấn chiếm, xây nhà tạm và phục vụ mục đích cá nhân; vận động người dân không xâm hại công trình.
Trước đó, ngày 26/8/2015, tại vị trí K2+920 Kênh chính nam (đoạn kênh nằm bên cạnh ao cá) thuộc Công trình thủy lợi Đắk Rồ có một đoạn kênh dài 15m bị sạt lở và gãy đứt rời, gây ra tình trạng thiếu nước tưới cho khoảng 70ha lúa hè thu đang trong thời kỳ đẻ nhánh thuộc Buôn 9 vào Buôn Ol, xã Đắk Drô, huyện Krông Nô. Nguyên nhân là nền móng thành bên bị yếu, người dân đào ao sát thành kênh, tại nhiều vị trí dân đục thành kênh lắp ống dẫn nước vào ao cá làm xói mòn chân mái đất, cộng mưa nhiều, gây nên đất bị xói mòn và sạt trượt kéo theo gãy đổ kênh bê tông.
Công trình thủy lợi Đắk Rồ được khởi công xây dựng vào ngày 13/1/2009 với tổng vốn gần 240 tỉ đồng bằng ngân sách trái phiếu Chính phủ. Đến cuối năm 2012, công trình thủy lợi này được đưa vào sử dụng, phục vụ tưới tiêu cho hơn 1.500 ha các loại cây trồng và cung cấp nước sinh hoạt cho hơn 10.000 người dân địa phương.