Đối với các tỉnh Tây Nguyên, trong mùa khô năm 2013, chỉ riêng hai cây trồng cà phê và hồ tiêu, tổng diện tích bị ảnh hưởng do hạn hán đã lên tới 84.887 ha trong đó diện tích bị mất trắng là 245,3 ha. Vì vậy việc giám sát hạn hán là rất quan trọng.
Người dân sống quanh khu vực hồ thủy lợi Ia Mơ Nông tại huyện Chư Păh (Gia Lai) phải đào giếng tìm nguồn nước tưới cho cây trồng. |
Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho rằng nhu cầu sử dụng nước ở Tây Nguyên rất lớn, nhưng vào mùa khô hàng năm (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau) Tây Nguyên thường xuyên bị hạn hán thiếu nước, vào mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) lại bị úng ngập. Hạn hán tuy ít khi là nguyên nhân trực tiếp gây tổn thất về người, nhưng thiệt hại về kinh tế - xã hội và môi trường là rất lớn.
Hiện nay các tỉnh vùng Tây Nguyên mong muốn có số liệu chính xác để đánh giá những tác động của hạn hán và giám sát quá trình của hạn hán. Những năm qua, phương pháp truyền thống trong giám sát và đánh giá hạn hán là dựa vào số liệu mưa còn hạn chế do khu vực không có trạm quan trắc mưa; Điều quan trọng là khó thu được số liệu trong thời gian thực. Bên cạnh đó, hạn hán thường xảy ra trên diện rộng, việc quan trắc bằng các phương pháp truyền thống rất khó khăn, nhất là trong khi việc đầu tư cho hệ thống quan trắc bề mặt còn hạn chế. Ngược lại, các số liệu từ vệ tinh với độ phân giải không gian và thời gian cao có thể được sử dụng để nhận biết sự xuất hiện của hạn hán, thời gian tồn tại và cường độ của nó. Do đó, những số liệu vệ tinh quan trắc trái đất (EOS) đang được các nước trên thế giới sử dụng rất hữu ích, rất đáng được quan tâm trong việc đánh giá và giám sát hạn hán ở nước ta.
Theo PGS.TS Dương Văn Khảm, nhiều nước trên thế giới đã sử dụng ảnh vệ tinh với các kênh phổ khác nhau để xây dựng một số mô hình giám sát và dự báo hạn hán. Việc làm này dựa trên tính chất vật lý của quá trình bốc thoát hơi và tính chất sinh học của thực vật: Chỉ số thực vật có tương quan thuận với độ ẩm đất và tương quan nghịch với nhiệt độ bề mặt. Cụ thể là độ ẩm đất cao cây trồng phát triển tốt, sự bốc thoát hơi cây trồng mạnh, nhiệt độ thảm cây trồng và bề mặt đất giảm.
Kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám đánh giá hạn hán ở Tây Nguyên dựa trên chỉ số hạn viễn thám (LWSI). Đây là một trong số các kết quả thu được từ đề tài TN3/T25 "Nghiên cứu điều kiện khí hậu nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng tránh thiên tai vùng Tây Nguyên" do Viện Khoa học khí tượng thủy văn và môi trường chủ trì (thời gian thực hiện từ 1/2013 -12/2015). Chỉ số LSWI được tính từ ảnh viễn thám sẽ được đối chiếu với số liệu đo đạc thực địa để phân ngưỡng (từ thấp đến cao) theo các mức sau: hạn nặng, hạn vừa, hạn nhẹ, bình thường và ẩm.
Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho thấy sự phân bố của giá trị LSWI tương đối phù hợp với sự phân bố của khu vực khô hạn. Vùng Tây Nguyên luôn là khu vực căng thẳng về hạn hán. Các tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013 giá trị LSWI thấp chiếm ưu thế, thể hiện hạn hán xuất hiện trên diện rộng. Kết quả nghiên cứu trên cho thấy việc sử dụng chỉ số khô hạn LSWI là phù hợp với các tỉnh ở Tây Nguyên, vì vừa đảm bảo tính chất sinh - vật lý của quá trình hạn hán đối với cây trồng, vừa đảm bảo tính thực tiễn hạn hán ở Tây Nguyên.
Vì vậy, cùng với các số liệu quan trắc bề mặt, việc tích hợp các thông tin viễn thám với các vệ tinh khác nhau với nhiều độ phân giải không gian và thời gian khác nhau, sử dụng các chỉ tiêu hạn hán phù hợp cho mỗi vùng, mỗi mùa là hoàn toàn có khả năng phục vụ công tác giám sát và theo dõi hạn hán ở nước ta nói chung, ở Tây Nguyên nói riêng.
Theo ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, chỉ tính riêng năm 1998, hạn hán đã gây hại 74.400 ha cà phê, trong đó diện tích bị chết là 17.700 ha. Số người thiếu nước sinh hoạt trong năm này lên tới 770.000 người. Gần đây nhất đợt hạn tháng 3/2013 đã tác động xấu đến nguồn nước của các tỉnh Tây Nguyên gây thiếu nước. Hạn hán ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp và nước uống sinh hoạt của nhân dân... Hầu hết các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và lớn ở Tây Nguyên đều bị thiếu hụt nước nghiêm trọng, nhiều hồ chứa nhỏ đã bị cạn hoặc giảm xuống gần đến mực nước chết không đủ tưới suốt vụ gây ra hạn hán.