Giám sát chặt chẽ việc quy hoạch thủy điện

Tuần Tin Tức số 41 vừa đăng Chuyên đề “Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện ở Tây Nguyên” nêu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát quy hoạch thủy điện tại các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên và cả nước. Trong số này, chúng tôi xin giới thiệu thêm ý kiến của các chuyên gia và người dân về vấn đề này.

Ông Hoàng Quốc Vượng,  Thứ trưởng Bộ Công Thương: 
Quy hoạch một số  dự án chưa đáp ứng yêu cầu

Các nhà máy thủy điện hiện có đã góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước... Tại một số tỉnh như: Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắk, Lâm Đồng..., các nhà máy thủy điện đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách. Cùng với phát triển thủy điện, cơ sở hạ tầng kỹ thuật: điện, đường, trường, trạm... và điều kiện sinh hoạt, sản xuất của người dân ở các địa phương có dự án được cải thiện, hoàn chỉnh.  

Công tác quản lý nhà nước về thủy điện mặc dù đã được tăng cường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, nguyên nhân là các cơ quan liên quan ở địa phương còn hạn chế về nhân lực chuyên môn và thiếu quan tâm. Một số chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu cũng chưa nghiêm túc thực hiện, thậm chí còn vi phạm quy định pháp luật trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc vận hành khai thác. Năng lực quản lý dự án, thiết kế và thi công của nhiều đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, chất lượng của quy hoạch và công trình xây dựng tại một số dự án chưa đáp ứng yêu cầu, còn vi phạm quy định vận hành gây bức xúc trong dư luận.  Để giải quyết những tồn tại, Bộ Công Thương đang triển khai nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung Thông tư số 43/2012/TT - BCT ngày 27/12/2012 .   

Đã gần 8 năm từ khi tái định cư để thi công Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3, người dân thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Tô Xuân Bảo, Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương): 
Sớm xây dựng và hoàn thiện các văn bản quản lý an toàn đập thủy điện

Hiện trong công tác quản lý an toàn đập nói chung và quản lý an toàn đập thủy điện nhỏ nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Do vậy, trong thời gian tới, Cục đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm xây dựng, hiệu chỉnh, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa thủy điện; các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thiết kế, xây dựng, vận hành công trình thủy điện.

Các văn bản này phải đảm bảo tính khả thi, cụ thể, không chồng chéo... để tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ đập trong việc triển khai thực hiện. Cùng với đó, các ngành chức năng tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và xử lý nghiêm các chủ đập không thực hiện đầy đủ quy định pháp luật về quản lý an toàn đập. Ngoài ra, các chủ đầu tư các dự án thủy điện và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác vận hành hồ chứa thủy điện, tuyên truyền đến người dân hiểu về vai trò của các hồ chứa thủy điện...

Theo đánh giá của Cục, hầu hết các chủ đập thủy điện nhỏ đều có ý thức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về quản lý an toàn đập, đặc biệt là những hoạt động liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du như vận hành hồ chứa theo đúng quy trình vận hành, thực hiện kiểm định đập, kiểm tra đập, xây dựng các phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập... 

Tuy nhiên, nhiều chủ đập thủy điện chưa chủ động áp dụng khoa học công nghệ trong dự báo, tính toán lưu lượng nước về hồ để phục vụ vận hành hiệu quả, an toàn hồ chứa. Thực tế hiện nay, chưa có quy định hướng dẫn chi tiết quy định chủ đập lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn trên lưu vực hồ chứa (quy định về mật độ, loại thiết bị...), do đó chưa ràng buộc, chưa có cơ sở để các chủ đập lắp đặt phục vụ vận hành hồ chứa hiệu quả.  

Anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk): 
Người dân mòn mỏi chờ được cấp sổ đỏ

Trước đây gia đình tôi sống ở thôn Ea M’Tha 2 đất đai màu mỡ. Với 2 ha trồng điều, chăn nuôi thêm gia súc, mỗi năm gia đình thu nhập từ 100 triệu đồng. Thực hiện chương trình tái định cư thủy điện Sêrêpốk 3, từ khi chuyển đến nơi ở mới, ngoài 400 m2 đất ở, gia đình tôi được cấp 2,1 ha đất sản xuất. Tuy nhiên, diện tích đất được cấp là đất đá pha cát, thiếu nước tưới về mùa khô. Để trồng được cà phê và hoa màu gia đình phải sắm nông cụ “đào xốc” lại đất, mua đất đỏ về đổ trên lớp mặt, chi phí cải tạo đất rất cao". 

Người dân tái định cư không có tài sản nào khác ngoài đất. Vì chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên nhiều năm liền gia đình tôi phải “vay nóng” tiền mặt lãi suất cao để mua nợ phân bón chăm sóc vườn cà phê. Mong muốn địa phương sớm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để người dân được hưởng quyền lợi vay vốn, đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống.

V.T/Báo Tin Tức
Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện ở Tây Nguyên
Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện ở Tây Nguyên

Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện tại các địa phương khác theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN