Tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện ở Tây Nguyên

Bộ Công Thương cần tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên. Đồng thời tiếp tục rà soát quy hoạch thủy điện tại các địa phương khác theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.

Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các tỉnh Tây Nguyên và ngành liên quan kiểm tra và có báo cáo Thủ tướng để Chính phủ xem xét báo cáo trước Quốc hội theo quy định. Đã loại khỏi quy hoạch nhiều dự án thủy điện Là một tỉnh có số lượng thủy điện lớn ở khu vực Tây Nguyên, những năm qua, tỉnh Gia Lai đã chú trọng nâng cao công tác quản lý, quy hoạch các công trình thủy điện, nhằm đảm bảo an toàn cho các công trình cũng như vùng hạ du.

Tình trạng sạt lở bờ sông diễn ra ngày càng nghiêm trọng đe dọa các hộ dân chưa thể di dời do chưa nhận được tiền hỗ trợ đền bù từ Công ty thủy điện Buôn Kuốp.

Ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết trên địa bàn tỉnh hiện có 35 thủy điện đang vận hành và 6 thủy điện đang triển khai đầu tư. Để tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng thủy điện cũng như góp phần tăng sản lượng điện phát trên lưới điện quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần tăng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, đối với các dự án thủy điện đảm bảo 4 tiêu chí theo Quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ của tỉnh là gần đường giao thông, gần lưới điện quốc gia, giảm thiểu tác động đến môi trường và hiệu quả kinh tế, thì Sở Công Thương tỉnh Gia Lai sẽ kiến nghị Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh đồng ý về chủ trương cho phép đầu tư xây dựng. Công tác vận hành các hồ chứa thủy điện cũng được tỉnh Gia Lai đặc biệt chú trọng. Đến nay, các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Ba và sông Sê San được vận hành theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa, nhờ đó góp phần giảm lũ cho các khu vực hạ du.

Bên cạnh đó, trước mùa mưa lũ hàng năm, Sở Công Thương đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn đập thủy điện trên địa bàn tỉnh để kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm của các chủ đập. Qua đó, các chủ đập thủy điện đã triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý an toàn đập, đảm bảo cho công trình và vùng hạ du sau đập. Đến nay, toàn tỉnh Gia Lai có 74 thủy điện vừa và nhỏ được quy hoạch, bổ sung và điều chỉnh. Trong đó, có 35 thủy điện đang vận hành với tổng công suất 286,95 MW, 6 thủy điện đang triển khai đầu tư xây dựng với tổng công suất 52.2 MW. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai cũng đã loại khỏi quy hoạch 17 thủy điện, dừng vận hành 2 thủy điện và 14 thủy điện khác có trong quy hoạch nhưng chưa có chủ trương đầu tư. Không riêng gì Gia Lai, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những vị trí khi đầu tư xây dựng thủy điện gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống của người dân, an ninh trật tự, tỉnh Kon Tum đã loại bỏ 47 dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch; trong đó, có 6 vị trí không đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư vì công suất nhỏ, hiệu quả kinh tế thấp.

Các dự án bị tỉnh Kon Tum loại khỏi quy hoạch thủy điện chủ yếu tập trung ở các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Kon Rẫy, Đăk Hà và Ngọc Hồi, có tác động lớn vào môi trường như chiếm dụng đất màu của người dân, ảnh hưởng đến rừng. Đặc biệt, có nhiều vị trí thủy điện khi đầu tư xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến đất sản xuất của người dân, gây xáo trộn cuộc sống, ảnh hưởng đến các công trình giao thông như Dự án thủy điện Đăk Đ’Rinh 1A, 1B, Đăk Đ’Ring 2 tại huyện Kon Plong chiếm dụng 100 ha đất màu, 144,5 ha đất rừng. Dự án thủy điện Thượng Sa Thầy chiếm dụng 135 ha đất rừng, gần 40 ha đất khác, ảnh hưởng đến Quốc lộ 14C và khu trung tâm huyện mới Ia H’Drai.

Cửa xả Nhà máy thủy điện Srêpốk.

Ngoài ra, có nhiều dự án thủy điện có công suất và tính hiệu quả kinh tế thấp nhưng có ảnh hưởng lớn đến đất rừng, đất màu, đất sản xuất, ảnh hưởng đến đời sống của người dân cũng được tỉnh Kon Tum kiên quyết từ chối cấp phép đầu tư. Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có tổng cộng 44 vị trí thủy điện với tổng công xuất lắp máy 445 MW. Trong đó, có 11 vị trí đã hoàn thành hòa lưới điện quốc gia với tổng công suất 101,5 MW, 12 vị trí đang triển khai xây dựng có tổng công suất 130,5 MW, 15 công trình đang lập dự án đầu tư có tổng công suất 185,1 MW, một dự án đang lập báo cáo xin phép đầu tư có công suất 1,9 MW và 5 công trình chưa có chủ trương đầu tư có tổng công suất 26 MW.

Người dân mong mỏi được cấp sổ đỏ Để thi công Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3, có 44 hộ dân với 167 nhân khẩu sống ở thôn Ea M’Tha 2, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lăk đã chấp nhận di dời nhà cửa đến khu tái định cư thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl. Thế nhưng gần 8 năm nay, kể từ khi chuyển đến nơi ở mới các hộ dân vẫn “chưa thể an cư” do chính quyền địa phương chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Người dân gặp nhiều khó khăn trong vay vốn đầu tư sản xuất, ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Hoàng Quyến, ­trưởng thôn Tân Phú cho biết, năm 2010 thực hiện chủ trương của Nhà nước giao đất để Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3, ông Quyến và 43 hộ dân thôn Ea M’Tha 2 đã di dời về khu tái định cư rộng 1,76 ha tại thôn Tân Phú, xã Ea Nuôi, cạnh Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3. Mỗi hộ được cấp 400 m2 đất ở và hơn 2 ha đất sản xuất.

Tổng Công ty Phát điện 3 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã xây dựng cho các hộ dân tái định cư nhà ở, trường mẫu giáo, công trình nước sạch và đường giao thông. Theo ông Quyến, khu tái định cư mới được xây dựng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện cho người dân sinh sống sau khi di dời tái định cư. Tuy nhiên, niềm mong mỏi lớn nhất của người dân là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đến nay vẫn chưa có. Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl, ông Lê Văn Quyết xác nhận 44 hộ dân tái định cư thôn Tân Phú, xã Ea Nuôl vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Xã đã nhiều lần kiến nghị UBND huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk sớm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, nhưng đến nay kiến nghị của địa phương vẫn chưa được giải quyết. Nguyên nhân chậm trễ này là do UBND huyện Buôn Đôn khi lập phương án bồi thường, tái định cư (từ năm 2005) không đề cập đến việc đơn vị thi công dự án hỗ trợ tiền sử dụng đất đối với 44 hộ dân tái định cư.

Năm 2013, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị ngưng xây mới các dự án thủy điện ở Tây Nguyên trong hai năm 2013 - 2014 vì những tác động tiêu cực tới đời sống người dân, môi trường, cân bằng sinh thái... Theo nhận định của thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các thủy điện sau khi đi vào hoạt động để lại cho chính quyền địa phương và nhân dân trong vùng không ít khó khăn, phải tiếp tục giải quyết trong nhiều năm.


Đến năm 2013, sau khi Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3 hoàn thành đưa vào vận hành được một thời gian, huyện Buôn Đôn mới phê duyệt bổ sung phương án bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất khu tái định cư Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3. Theo đó, huyện Buôn Đôn đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ tiền sử dụng đất ở đối với 44 hộ dân tái định cư là 2,612 tỷ đồng.


Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Buôn Kuốp, ông Trần Văn Khánh (đơn vị được giao quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk) cho biết, về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng Công ty Phát điện 3 kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk không thu tiền sử dụng đất đối với 44 hộ dân thuộc diện tái định cư. Sau nhiều lần thương thảo, UBND huyện Buôn Đôn tỉnh Đắk Lắk và đơn vị thi công Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3 vẫn không thống nhất được việc hỗ trợ tiền sử dụng đất nên huyện Buôn Đôn không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với 44 hộ dân tái định cư.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đắk Lắk, ông Cao Quy Diễn cho hay, theo quy định tại Nghị định 197/2004/NĐ - CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất ở tái định cư tại Khu tái định cư Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3, không thuộc trường hợp được miễn giảm tiền sử dụng đất. Việc chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân là do đơn vị thực hiện dự án khi đầu tư công trình không tính toán đến phương án bồi thường phần chênh lệch giá trị đất nơi ở và nơi đến. Thứ hai, trong phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện Buôn Đôn phê duyệt không đề cập đến việc hỗ trợ tiền sử dụng đất. Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản đốc thúc UBND huyện Buôn Đôn sớm hoàn thành việc định lại giá đất tại thời điểm giao mặt bằng đất ở tái định cư Nhà mày Thủy điện Sêrêpốk 3 (năm 2008), phối hợp với đơn vị thi công thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ tiền sử dụng đất; khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, tránh để xảy ra khiếu nại.

Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Dương Văn Xanh cho biết, sau khi định lại giá đất, huyện Buôn Đôn đã đề xuất Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ tiền sử dụng đất tái định cư đối với 44 hộ dân thôn Tân Phú là 704 triệu đồng (tiền chênh lệch đất nơi ở và nơi đến). Nếu được Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất huyện sẽ làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong năm 2017. Được biết Nhà máy Thủy điện Sêrêpốk 3 được xây dựng trên dòng sông Sêrêpốk với công suất 220 MW với 2 tổ máy, khởi công từ năm 2005, do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhà máy hòa lưới điện quốc gia từ tháng 9/2010.

Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: Đắk Lắk loại bỏ 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ

Sau khi rà soát, tỉnh Đắk Lắk loại bỏ 17 dự án thủy điện vừa và nhỏ, tổng công suất 27,4 MW, 69 vị trí tiềm năng có tổng công suất 117 MW. Tỉnh Đắk Lắk cũng dừng xây dựng Nhà máy thủy điện nhỏ Đrăng Phốk (có công suất 10 MW) do phải chuyển mục đích sử dụng hơn 60 ha rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Yok Đôn. Nguyên nhân loại bỏ các dự án cũng như vị trí tiềm năng thủy điện là do hầu hết các vị trí này đều nằm trên diện tích rừng, đất rừng. Vì vậy, khi triển khai xây dựng, các nhà máy thủy điện đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài nguyên rừng, môi trường sinh thái trên địa bàn. Tỉnh Đắk Lắk hiện có 24 Nhà máy thủy điện đang hoạt động, với tổng công suất 957 MW; trong đó, chỉ riêng trên lưu vực sông Sêrêpốk có 12 công trình với tổng công suất 841 MW. Trên địa bàn Đắk Lắk hiện có 12 dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, với tổng vốn đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng được tỉnh Đắk Lắk trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Cần coi trọng công nghệ

Việc phát triển thủy điện vừa và nhỏ sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển an toàn bền vững và hiệu quả. Tuy nhiên, vấn đề then chốt là làm chủ công nghệ, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị để tránh phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thực hiện nhiều cơ chế, chính sách và các chương trình nhằm định hướng, khuyến khích, hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực năng lượng. Thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020, Bộ xác định, chú trọng đẩy mạnh việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị phục vụ nhà máy thủy điện, nhiệt điện công suất trung bình và lớn; nghiên cứu ứng dụng các dạng năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như các giải pháp khoa học công nghệ tiết kiệm và tăng hiệu quả trong các khâu sản xuất, truyền tải và tiêu thụ năng lượng. Bên cạnh đó, cần có chính sách hợp lý để các nhà sản xuất trong nước quan tâm đến lĩnh vực thiết bị công nghệ thủy điện vừa và nhỏ, khuyến khích các nhà sản xuất trong nước, hạn chế tối thiểu các thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài.


Toán Cường - Tôn Thái
Cần quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên
Cần quy hoạch, ổn định diện tích cây hồ tiêu ở Tây Nguyên

Việc phát triển “nóng” cây hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên đã nên tình trạng cung vượt cầu, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên cây tiêu, gây thiệt hại lớn cho đồng bào các dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN