Mặc dù, nhiều năm qua Liên minh Hợp tác xã đã hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực kế toán, quản trị nhưng những hạn chế này vẫn chưa được khắc phục; trong khi đó, hợp tác xã không thu hút được nhân lực.
Hợp tác xã nông nghiệp An Xuân, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ chuyên sản xuất lúa hàng hóa với 18 thành viên tham gia. Mỗi vụ lúa, hợp tác xã canh tác lúa khoảng 20 ha, chủ yếu là lúa hàng hóa để bán cho thương lái. Ngoài ra, hợp tác xã liên kết với công ty để bao tiêu khoảng 100 ha diện tích cánh đồng lớn.
Theo ông Phạm Văn Bích, Giám đốc Hợp tác xã An Xuân vì khó khăn không đủ vốn để cung cấp vật tư, thu mua lúa cho người dân nên buộc hợp tác xã phải liên kết với doanh nghiệp để làm trung gian bao tiêu lúa và hưởng hoa hồng.
Hiện không có chính sách phù hợp cho hợp tác xã vay mà chỉ có cá thể được vay kinh doanh, giải quyết việc làm nhưng với số tiền tối đa khoảng 50 triệu đồng. Do đó, các xã viên không lấy số tiền này góp vốn nên hợp tác xã không đủ vốn để hoạt động, bao tiêu lúa, trữ lúa khô. Khó khăn thứ nhất là vốn, khó thứ hai là năng lực quản lý của ban quản trị hợp tác xã. Ban quản trị, giám đốc hợp tác xã chủ yếu là nông dân, không có kỹ năng lên kế hoạch sản xuất nên hiệu quả kém.
Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát, phường Thới An, quận Ô Môn được thành lập cách đây hơn 10 năm. Lúc mới thành lập, hợp tác xã có trên 50 thành viên tham gia sản xuất 18 ha rau, quả các loại. Đây là mô hình kinh tế tập thể tiêu biểu của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2017 - 2019 nhưng đến nay, hợp tác xã này chỉ còn 10 thành viên và tồn tại trên danh nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Bi - Giám đốc Hợp tác xã cho biết, sản phẩm của hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát sản xuất và tiêu thụ ổn định, thậm chí nhiều nơi đặt hàng nhưng không có sản phẩm để cung cấp. Tuy nhiên, sản phẩm của hợp tác xã chỉ bán cho thương lái chứ không có bất kỳ một hợp đồng đầu ra nào được ký với doanh nghiệp.
Mỗi thành viên hợp tác xã tự "liên kết" với thương lái để bán sản phẩm. Hơn 10 năm qua, hợp tác xã cũng chỉ có đầu ra "ổn định" với các thương lái, các thành viên không mặn mà gắn bó với kinh tế tập thể vì họ có mối cho riêng mình. Hợp tác xã đã tính đến chuyện sẽ giải thể vì từ lâu chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
Câu chuyện của các hợp tác xã Hòa Phát, An Xuân đang gặp phải cũng giống những khó khăn chung mà nhiều hợp tác xã ở Cần Thơ đang gặp phải. Từ năm 2017 đến nay, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ phát triển được hai hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng cả hai đều chưa hiệu quả.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thới Xuân Đỗ Xuân Phúc, người dân đã quen với cách làm ăn theo cá thể. Hoạt động theo mô hình tập thể thì phải có phương án kinh doanh để đem lại lợi nhuận cho thành viên nhưng đa số thành viên Ban quản trị đều không có khả năng, kiến thức, kinh nghiệm quản lý, điều hành nên khó phát triển. Thêm vào đó, thành viên của hợp tác xã lúa đóng góp nguồn vốn không đủ để hoạt động; trong khi đó, hợp tác xã muốn tiếp cận vốn rất khó vì không có tài sản thế chấp.
Thiếu đầu ra ổn định, giữa hợp tác xã và doanh nghiệp chưa tìm tiếng nói chung cũng là trở ngại lớn làm cho hợp tác xã không tồn tại được lâu dài. Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thạnh cho biết, các hợp tác xã ở Vĩnh Thạnh hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực lúa gạo; trong đó, có 4 hợp tác xã lúa gạo sạch, an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tiêu chuẩn châu Âu, sản xuất theo quy định của doanh nghiệp hợp tác.
Giá lúa, gạo sản xuất theo hướng sạch, an toàn được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng đầu ra cao hơn thị trường từ 100 - 150 đồng/kg. Với giá chênh lệch không cao hơn so với lúa, gạo canh tác truyền thống, cộng với thiếu đầu ra, thiếu doanh nghiệp ký kết nên nhiều hợp tác xã không thể hoạt động bền vững.
Trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh trước đây có 32 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp nhưng do không hiệu quả nên đã giải thể 8 hợp tác xã. Mặc dù, có 24 hợp tác xã hoạt động nhưng chỉ có 5 hợp tác xã hoạt động tốt, còn lại là yếu.
Thành phố Cần Thơ hiện có 292 hợp tác xã; trong đó, có 140 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, số hợp tác xã được đánh giá hiệu quả chỉ đém trên đầu ngón tay như: Hiếu Bình, Khiết Tâm, Hiệp Mỹ Phát, Thắng Lợi,...
Theo ông Nguyễn Đức Phương, hợp tác xã là tập hợp những hộ khó khăn để cùng nhau làm kinh tế. Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng cũng khó tiếp cận, còn bất cập, đặc biệt là chính sách về đất đai. Hợp tác xã mua đất, để làm vốn đối ứng nhưng nhiều chương trình, dự án lại yêu cầu đất này phải thuê của nhà nước. Do đó, hợp tác xã phải làm đơn hiến đất cho UBND xã, sau đó UBND xã lại cho hợp tác xã thuê trở lại miễn phí. Với những khó khăn chưa có lời giải, từ năm 2016 đến nay, có 94 hợp tác xã ở Cần Thơ đã giải thể, tạm dừng hoạt động.
Vốn là nguồn lực quan trọng cho phát triển hợp tác kinh tế nhưng, hầu hết các hợp tác xã gặp khó trong tiếp cận vốn vay mặc dù có đã nhiều chính sách tạo điều kiện cho vay tín chấp. Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã kết nối với một ngân hàng để cho các cá nhân trong hợp tác xã vay, góp vốn vào hợp tác xã nhưng cũng không được vì các cá nhân này không có tài sản thế chấp. Để góp phần gỡ khó cho các hợp tác xã, Liên minh hợp tác xã đang xúc tiến thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã theo Nghị định 45/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.