Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra bò bị bệnh. |
Mặc dù các ngành chức năng của tỉnh đã tích cực vào cuộc, song ổ dịch vẫn không có chiều hướng giảm mà vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và có nguy cơ lan rộng sang các địa phương khác.
Ổ dịch lở mồm long móng ban đầu được phát hiện tại 4 làng của xã Ia Sao thì nay đã lan sang địa bàn xã Chư Băh với gần 50 con bò đã bị mắc bệnh, đe dọa trực tiếp đến đàn gia súc của địa phương này cũng như các huyện lân cận như Phú Thiện, Krông Pa, Ia Pa.
Để khống chế dịch bệnh, Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai vừa nhận hỗ trợ khẩn cấp 15.000 liều vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng 2 Type A và O để tiêm phòng cho đàn bò có nguy cơ nhiễm bệnh trên địa bàn thị xã Ayun Pa và các địa phương lân cận.
Cơ quan chức năng phun thuốc khử trùng quanh nhà dân có dịch bệnh. |
Đội ngũ cán bộ thú y các huyện, thị xã trong tỉnh cũng đã được điều động, tăng cường về thị xã Ayun Pa để hỗ trợ tiêm vắc xin, triển khai các giải pháp dập dịch như tiêm phòng bao vây ở những vùng bị uy hiếp; tổ chức các chốt kiểm dịch 24/24 trên các tuyến đường từ thị xã ra các vùng lân cận.
Ông Dương Ngọc Thanh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Gia Lai, cho biết do phương thức chăn nuôi nơi đây còn quá lạc hậu, chủ yếu dựa vào chăn thả tự do nên dịch bệnh lây lan rất nhanh, quá trình kiểm soát và tổ chức phòng chống dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn. Hiện đội ngũ cán bộ của ngành đang tích cực phối hợp với các địa phương vùng có dịch cũng như các vùng lân cận tập trung tiêm phòng và hướng dẫn bà con chăm sóc bò bệnh.
Với đàn bò khoảng 350.000 con, tỉnh Gia Lai là địa phương có số lượng bò đứng đầu cả nước. Tuy nhiên, do tập quán chăn thả cũng như ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân chưa cao cộng thêm việc không chủ động được nguồn vắc xin trong điều kiện có dịch bệnh là nguyên nhân đang khiến dịch lở mồm long móng có nguy cơ diễn biến phức tạp.