Ông Trương Khắc Trí, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, để xử lý bệnh lở mồm long móng cho gia súc, cái khó nhất vẫn là tình trạng thiếu vắc xin tiêm phòng. Tuy nhiên, vừa qua tỉnh Ninh Thuận đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 150.000 liều vắcxin lở mồm long móng 2 type từ nguồn dự trữ quốc gia để tiêm phòng cho gia súc.
Với số lượng vắcxin được cấp, UBND tỉnh giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp phát cho các địa phương khẩn trương tiến hành tiêm phòng trong thời gian sớm nhất. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã chỉ đạo các Trạm Thú y tổ chức tiêm phòng cho cả gia súc chưa mắc bệnh để tạo sự miễn dịch, đồng thời phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người chăn nuôi cam kết thực hiện “5 không” theo quy định của ngành thú y. Bên cạnh đó, khuyến cáo người chăn nuôi thực hiện dọn dẹp, tiêu độc sát trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi bị nhiễm bệnh trước đây, xử lý triệt để mầm bệnh, ngăn chặn sự phát tán của dịch bệnh có thể xảy ra.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, do tỉnh thuộc vùng đệm của bệnh lở mồm long móng nên không còn sự hỗ trợ vắc xin lở mồm long móng tiêm phòng cho gia súc theo chương trình mục tiêu quốc gia như trước. Do vậy vắc xin do địa phương tự mua, trong khi kinh phí của tỉnh lại eo hẹp nên khi gia súc xảy ra bệnh rất khó chủ động xử lý. Có được 150.000 liều vắcxin lở mồm long móng do Chính phủ đồng ý hỗ trợ lần này là do địa phương bị thiên tai hạn hán tác động, gây thiệt hại lớn cho sản xuất và chăn nuôi.
Ninh Thuận là thủ phủ về phát triển chăn nuôi gia súc của cả nước, với số lượng hơn 500.000 con, trong đó nhiều nhất là cừu với số lượng hơn 165.700 con; dê 127.732 con; bò 112.680 con. Cuối năm 2016, Ninh Thuận cũng đã xảy ra bệnh lở mồm long móng ở gia súc với số lượng hơn 360 con, trong đó hơn 30 con đã bị chết, chủ yếu là trâu, bò và lợn. Nguyên nhân được xác định một phần là do thời tiết chuyển biến phức tạp, một phần là do thời gian bảo hộ tiêm phòng vác xin đợt 1 năm 2016 giảm hiệu lực nên gia súc không còn sức đề kháng, dễ phát bệnh. Tuy nhiên, nhờ chủ động khoanh vùng xử lý kịp thời nên bệnh lở mồm long móng không phát sinh thành dịch, giảm thiểu đáng kể thiệt hại cho người chăn nuôi.